A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người khách lạ Tác giả: Eric-Emmanuel Schmitt

Người khách lạ

Tác giả: Eric-Emmanuel Schmitt

Nhân vật:

(theo thứ tự xuất hiện trên sân khấu)

 

SIGMUND FREUD

ANNA FREUD (con gái của Freud)

TÊN QUỐC XÃ

NGƯỜI KHÁCH LẠ

 

Vở kịch chỉ có một hồi duy nhất, không chuyển cảnh, chuyện xảy ra trong thời gian hiện thực tối 22 tháng 4 năm 1938, giữa thời điểm quân đội Hitler xâm lược nước Áo (11 tháng 3) và khi FREUD rời Áo tới Paris (4 tháng 6).

 

Sân khấu là phòng khám của bác sỹ Freud số 19 phố Berggasse, thành Viên. Đó là một căn phòng không bài trí nhiều, tường ốp gỗ tối màu, với những bức tượng đồng đánh bóng loáng, ri đô hai lớp dày, nặng chịch. Hai đồ vật làm nên không gian của căn phòng là chiếc đi văng và bàn làm việc.

Tuy nhiên, nếu không tính đến hai vật dụng hết sức thực tế này thì sân khấu được trang trí lên đến tận trần, vươn lên phía trên tủ sách thành một bầu trời đầy sao. Trời đêm như sâu hơn nhờ vào bóng của những tòa nhà tiêu biểu của thành Viên. Đó là phòng làm việc của một nhà bác học hướng vào khoảng không vô tận.

 

Kịch

 

Người khách lạ

Tác giả: Eric-Emmanuel Schmitt

Nhân vật:

(theo thứ tự xuất hiện trên sân khấu)

 

SIGMUND FREUD

ANNA FREUD (con gái của Freud)

TÊN QUỐC XÃ

NGƯỜI KHÁCH LẠ

 

Vở kịch chỉ có một hồi duy nhất, không chuyển cảnh, chuyện xảy ra trong thời gian hiện thực tối 22 tháng 4 năm 1938, giữa thời điểm quân đội Hitler xâm lược nước Áo (11 tháng 3) và khi FREUD rời Áo tới Paris (4 tháng 6).

 

Sân khấu là phòng khám của bác sỹ Freud số 19 phố Berggasse, thành Viên. Đó là một căn phòng không bài trí nhiều, tường ốp gỗ tối màu, với những bức tượng đồng đánh bóng loáng, ri đô hai lớp dày, nặng chịch. Hai đồ vật làm nên không gian của căn phòng là chiếc đi văng và bàn làm việc.

Tuy nhiên, nếu không tính đến hai vật dụng hết sức thực tế này thì sân khấu được trang trí lên đến tận trần, vươn lên phía trên tủ sách thành một bầu trời đầy sao. Trời đêm như sâu hơn nhờ vào bóng của những tòa nhà tiêu biểu của thành Viên. Đó là phòng làm việc của một nhà bác học hướng vào khoảng không vô tận.

 

Cảnh 1

 

Freud đang chậm rãi xếp sách lên giá, những cuốn sách đã bị ném xuống đất một cách phũ phàng. Freud đã già nhưng cái nhìn vẫn sắc bén và đôi mắt đen hiện lên vẻ bực bội. Tuổi già như xuất hiện nhầm trên con người cương nghị này. Cả đêm ông sẽ nén ho và thỉnh thoảng không kìm được nhăn mặt vì đau: cái họng bị ung thư đã hành hạ ông rồi.

Anna trông còn bơ phờ hơn bố. Ngồi trên ghế sô-fa, cô cầm một cuốn sách, vừa ngáp vừa lơ đễnh đọc. Đó là một phụ nữ khắc khổ, có vẻ thông thái rởm, một trong những hình mẫu tiêu biểu của phụ nữ trí thức hồi đầu thế kỷ với tất cả những gì khái niệm ấy bao hàm, gồm cả những điều hơi nực cười; nhưng cô thoát khỏi hình ảnh biếm họa đó bằng ánh mắt thơ ngây và hiển hiện trên khuôn mặt cô, trong nội tâm của cô, là tình yêu vô bờ với người cha của mình.

 

FREUD. Đi ngủ đi con, Anna.

Anna khẽ lắc đầu từ chối

FREUD. Bố chắc chắn là con đang buồn ngủ.

Anna cố chối điều đó bằng cách kìm một cái ngáp.

Vào lúc đó, từ phía cửa sổ đang mở của căn phòng, vọng lên tiếng hát ngày càng to của một nhóm quốc xã đi ngang qua. Freud bất giác lùi xa khỏi cửa sổ.

FREUD. (tự nói với mình). Giá như bọn chúng hát chán, đằng này…

Anna vừa gục cả đầu vào quyển sách đang cầm trên tay. Freud bước ra sau phía sô-pha và âu yếm ôm lấy con.

FREUD. Con gái yêu của ta phải đi ngủ thôi.

ANNA (thức dậy, ngơ ngác) Con đã ở đâu vậy?

FREUD. Bố không biết…Trong một giấc mơ.

ANNA (vẫn chưa hết ngơ ngác). Khi ngủ thì người ta đi đâu? Khi tất cả đã tắt lịm, khi người ta thậm chí không mơ nữa? Người ta sẽ đi lang thang ở đâu? (giọng nhẹ nhàng). Bố ơi, nếu chúng ta thức tỉnh khỏi tất cả những điều ấy, khỏi thành Viên, khỏi văn phòng của bố, khỏi những bức tường này, khỏi bọn chúng,…và nếu chúng ta biết rằng tất cả những thứ đó, cũng vậy, chỉ là một giấc mơ… thì chúng ta sẽ sống ở đâu?

FREUD. Con vẫn là một cô bé. Trẻ con thường đột nhiên trở thành những nhà triết học : chúng đặt ra những câu hỏi.

ANNA : Thế còn người lớn?

FREUD : Người lớn lại đột nhiên trở thành những kẻ ngốc: họ trả lời.

Anna lại ngáp

FREUD : Thôi nào cô bé, đi ngủ đi (giọng vỗ về). Thôi nào, lớn rồi.

ANNA : Bố mới là người không còn như thế nữa.

FREUD : Không còn gì cơ?

ANNA (cười) : Không còn lớn nữa.

FREUD. (đáp lại nụ cười của con) Đúng là bố đã già rồi.

ANNA (trìu mến) và lại còn bệnh tật nữa.

FREUD. (lẩm bẩm) Và lại còn bệnh tật nữa. (như thể nói với riêng mình). Tuổi tác, chuyện này không thật mấy… cũng giống như những con số, thật trừu tượng làm sao… Năm mươi, sáu mươi, tám mươi hai? Điều đó có nghĩa gì? Nó không xương không thịt, không ý nghĩa. Những con số nói về ai khác đấy chứ. Trong sâu thẳm lòng mình, người ta chẳng bao giờ biết số học là gì cả.

ANNA : Hãy quên những con số đi bố; còn chúng sẽ chẳng bao giờ quên bố cả.

FREUD : Con người ta không thay đổi Anna ạ, chính thế giới mới là cái thay đổi, người đời bon chen, những cái miệng thầm thì, và những mùa đông ngày càng lạnh hơn, những mùa hè nặng nề hơn, những bậc cửa ngày càng cao, những quyển sách chữ ngày càng bé, những bát súp thiếu ngọt, tình yêu nhạt vị…tất cả đều như một âm mưu của những kẻ khác, bởi trong sâu thẳm lòng mình, con người ta không thay đổi. (ông đột nhiên hít thật sâu) Anna, con thấy đấy, tấn thảm kịch của tuổi già, đó chính là nó chỉ tấn công những người trẻ! (Anna ngáp). Đi ngủ đi con.

ANNA (bực tức khi nghe tiếng hát) Sao lại có lắm kẻ hét lên ngoài đường như thế nhỉ?

FREUD. Đó không phải người thành Viên. Người Đức chất những kẻ ủng hộ chúng đầy nguyên cả tá máy bay và thả trên vỉa hè thành Viên. (ngoan cố). Không có người Viên là quốc xã.

Ông ho tương đối nặng. Anna nhíu mày.

ANNA. Không. Không có người Viên là quốc xã…Nhưng con thấy ở đây những cuộc cướp phá, những sự sỉ nhục còn tệ hơn là ở Đức. Con nhìn thấy bọn SA lôi xềnh xệch một cặp công nhân già trên phố bắt họ xóa những dòng chữ đã viết trước kia trên vỉa hè ca ngợi thủ tướng Schuschnigg . Đám đông thì hò reo: ‘‘Bọn Do Thái phải làm việc, cuối cùng bọn Do Thái cũng phải làm việc!’’. ‘‘ Cảm ơn Quốc trưởng đã cho bọn Do Thái làm đúng cái việc chúng phải làm’’. Cách đấy một quãng, chúng đánh một người bán hàng khô trước mặt vợ và con ông ta…và không xa là xác những người Do Thái đã lao mình qua cửa sổ tự tử khi nghe thấy tiếng bọn SA lên cầu thang…Không, bố ơi, bố nói đúng đấy, không có người Viên là Quốc Xã… Phải tìm ra một từ mới để miêu tả sự ghê tởm!

Freud lại tiếp tục một cơn ho, nặng nề hơn trước.

ANNA : Bố ơi, hãy kí vào tờ giấy đó và chúng ta sẽ rời khỏi đây!

FREUD : Tờ giấy đó là một điều bẩn thỉu.

ANNA : Nhờ có những sự giúp đỡ từ nước ngoài mà chúng ta mới có cơ hội rời khỏi Viên và đi đường đường chính chính. Vài tuần nữa thôi là phải trốn chui trốn lủi để ra đi. Đừng chần chừ để đến lúc không thể đi được nữa.

FREUD. Nhưng Anna con, thế còn tình đoàn kết thì sao?

ANNA : Đoàn kết với bọn quốc xã ư?

FREUD. Với những người anh em của chúng ta, những người anh em của chúng ta ở đây, những người anh em bị người ta ăn cướp, sỉ nhục, bị giẫm đạp thành tro bụi. Rời khỏi nơi đây là một đặc ân nhơ nhuốc.

ANNA : Vậy bố muốn là một người Do Thái chết hay một người Do Thái sống đây? Con van bố, bố hãy kí đi.

FREUD. Bố sẽ suy nghĩ. Đi ngủ đi con.

Anna lắc đầu từ chối

FREUD. Cứng đầu cứng cổ

ANNA. Đầu cổ nhà Freud.

FREUD. (nhìn ra phía cửa sổ và đổi giọng, không còn giữ giọng tâm tình giữa cha và con gái). Con đối xử với cha như một tử tù.

ANNA (rất nhanh) Bố…

FREUD. Và con có lý: tất cả chúng ta đều là những tử tù và bố sẽ ra đi trong nhóm người bị kết án tử hành sắp tới. (ông quay lại phía con và bước lại gần Anna). Chẳng phải quân Quốc Xã hay vận mệnh của nước Áo làm cho con ở lại đây mỗi tối; con gắn bó với ta như thể ta sẽ ra đi bất cứ lúc nào, con giật mình mỗi khi ta ho, chưa gì con đã dõi theo ta từng li từng tí rồi. (ông hôn lên trán con). Nhưng…đừng trìu mến quá con gái của ta. Mọi người đừng quá trìu mến, cả mẹ con, cả con nữa, nếu không, ta…ta sẽ… bắt rễ ở đây… đừng làm cho việc rời khỏi đây trở nên quá khó với ta.

Anna hiểu ra và đứng dậy.

ANNA Chào bố. Con nghĩ là mình quả thật đang buồn ngủ.

Cô lại gần cha và vươn trán về phía ông. Freud bước tới hôn lên trán con.

 

 

Cảnh 2

 

Có tiếng đập cửa dữ dội. Tiếng giày bốt nện sau cánh cửa.

Không đợi câu trả lời, tên Quốc Xã đột ngột bước vào.

TÊN QUỐC XÃ. Gestapo đây! (quay lại nói với lính của mình). Các anh đứng đó.

Đôi mắt Freud bừng lên giận dữ.

Tên Quốc Xã bình thản đi ngó nghiêng một vòng.

TÊN QUỐC XÃ. Một chuyến thăm hữu nghị bác sỹ Freud ạ…(nhìn lên giá sách). Tôi thấy là có người đã bắt đầu dọn sách. (muốn tỏ ra lịch thiệp và mỉa mai). Rất tiếc hôm trước đã làm mọi thứ lộn xộn nhiều như thế…

Hắn thả thêm vài cuốn xuống đất.

FREUD. (cũng giọng điệu ấy) Tôi xin ông: thật vui biết bao khi được tiếp kiến  với những nhà thông thái thực sự.

Tên Quốc Xã nghi hoặc nhìn giá sách một cách chậm rãi.

ANNA Các ông định làm gì lần này đây? Các ông sẽ đốt chúng như đã đốt tất cả các tác phẩm của bố tôi?

FREUD. Đừng đánh giá thấp tiến bộ ngày nay con ơi! Thời Trung Cổ, có lẽ người ta đã cho bố lên giàn thiêu rồi; còn ngày nay, người ta chỉ đốt sách của bố thôi.

TÊN QUỐC XÃ. (rít qua kẽ răng) Việc cần làm tốt thì không bao giờ muộn.

Anna, theo bản năng, dang tay bảo vệ cha mình.

FREUD. (giọng tiếp tục mai mỉa, không hề nao núng). Các ông đã tìm thấy cái cần tìm chưa? Tài liệu chống Quốc Xã phải không? Chúng không trốn trong các cuốn sách mà các ông đã mang đi sao? (Tên Quốc Xã tỏ ra nóng ruột. Freud tỏ vẻ hiểu). Tôi phải tiết lộ với các ông điều này: quả là các ông không biết cách tìm ở nơi…bởi vì..(ông hạ giọng)…những tài liệu chống Quốc Xã quan trọng nhất được cất giấu…thật đấy, tôi nói nghiêm túc….(Tên Quốc Xã cắn câu tiến lại gần)…tôi sẽ nói cho ông biết…(rồi chậm rãi)…chúng được gìn giữ…(Freud chỉ vào đầu mình) …ở đây!

ANNA (chỉ vào tim mình) Và ở đây nữa!

Tên Quốc Xã nhìn họ với ánh mắt đầy đe dọa.

TÊN QUỐC XÃ. Hài hước kiểu Do Thái phỏng?

FREUD. (tiếp tục khiêu khích) Đúng vậy: tôi không còn biết mình là người Do Thái nữa, chính những người Quốc Xã đã làm tôi nhớ ra điều ấy. Họ đã làm đúng; khi được là người Do Thái trước mặt người Quốc Xã đúng là một thứ trời cho. Vả lại, nếu tôi không phải là người Do Thái thì tôi cũng sẽ mong trở thành người Do Thái. Vì tức giận thưa ông! Các ông hãy coi chừng: các ông sẽ làm dấy lên trào lưu ấy đấy.

Thấy vậy, tên Quốc Xã cố tình làm rơi mấy quyển sách nữa xuống đất.

FREUD. Anna, mang tiền lại đây con.

TÊN QUỐC XÃ (đột nhiên tỏ ra mềm mỏng, nở một nụ cười của loài thú ăn thịt). Ông mới hiểu rõ tôi làm sao, bác sỹ Freud ạ!

FREUD. Có gì khó đâu.

ANNA Nhưng bố ơi, chúng ta làm gì còn tiền.

FREUD. Trong két ấy.

Ông chỉ về phía cuối phòng. Anna đi tới đó, nhấc bức tranh lên và mở két nằm sau bức tranh. Freud nói với tên Quốc Xã giọng trang trọng, kiểu cách.

FREUD. Ông không ngờ đến phải không?

TÊN QUỐC XÃ. Bọn Do Thái chó má này lúc nào cũng có một cục xương giấu ở đâu đó.

FREUD. Ông cứ càm ràm đi.

ANNA (nói với bố). Tại sao lại đưa tiền tiếp cho họ hả bố?

FREUD. Để được yên bình.

ANNA Vậy con không biết thế nào là chiến tranh nữa.

FREUD. Hãy tin họ đi con: trí tưởng tượng của họ còn hơn cả con kia.

ANNA (đặt tiền lên bàn và nói với tên Quốc Xã) Ông lấy đi.

TÊN QUỐC XÃ. Bao nhiêu vậy?

FREUD. Sáu nghìn si-ling.

TÊN QUỐC XÃ. Ái chà chà!

Huýt sáo thán phục.

FREUD. Tuyệt vời đúng không? Ông có thể tự hào về mình đấy: tôi thì chưa bao giờ kiếm được chừng ấy trong một lượt khám.

TÊN QUỐC XÃ. (cầm lấy tiền). Cái làm tôi kinh tởm ở lũ Do Thái các người đó là việc các người thậm chí không phản kháng.

ANNA (không còn nén giận đưọc nữa, cô lên giọng)

Bây giờ có tiền rồi ông ngậm miệng lại và đi đi.

TÊN QUỐC XÃ. (quay phắt lại) Cái gì?

ANNA Thế là đủ rồi! Bây giờ, cuốn xéo đi, và nói với lũ người bẩn thỉu của ông đừng để súng lê trên sàn nhà như lần trước nữa. Emilie đã mất ba ngày để làm nó lại như cũ.

TÊN QUỐC XÃ. Này, cái con Do Thái kia, mày nghĩ đang nói chuyện với ai vậy?

ANNA Đừng hỏi tôi điều ấy!

FREUD. Thôi nào Anna!

Tên Quốc Xã tiến lại định đánh Anna thì Freud tiến lên đứng giữa hai người. Nhưng không gì ngăn được cơn giận của Anna.

FREUD. Anna, thôi!

ANNA (nói với bố) Bởi vì một thằng ngu hét tướng lên với mấy thằng ngu khác mà phải để chúng muốn làm gì thì làm ư?

FREUD. Anna, thôi !

ANNA Bố ơi, bố có thấy bốt của hắn bóng thế nào không? Như đá hoa cương đen. Chắc chắn là hắn ngồi hàng giờ để đánh giầy! (nói với tên Quốc Xã). Mày thấy sung sướng phải không sau khi phủ xi lên đấy, mày làm cho đôi giày sung sướng ngay từ những cú chải đầu tiên phải không ?

TÊN QUỐC XÃ. Cái con này…

ANNA Sau đó mày lấy giẻ ra đánh bóng, mày cọ, mày quẹt, giầy bóng loáng, tròn trịa; và giầy càng bóng, mày càng cảm thấy sướng. Bao nhiêu lâu rồi mày không ngủ với ai? Với đàn bà thì mày còn khó được sướng cái ấy hơn phải không?

TÊN QUỐC XÃ. Tôi sẽ bắt con này đi!

ANNA Thế sao?

TÊN QUỐC XÃ. Về sở Gestapo!

ANNA Nó muốn tôi kể những câu chuyện khác ấy mà, nó muốn được người ta nói đến mình… Mày muốn tao giải thích tại sao mà hàng sáng mày lại phải mất mười phút để chải ngôi chính giữa gần như từng sợi, từng sợi một. Và nỗi ám ảnh của mày về đồ là! Và những chiếc móng tay mà mày gặm! Mày muốn tao giải thích tại sao mày khinh bỉ phụ nữ và uống bia với đàn ông phải không?

TÊN QUỐC XÃ. (kéo tay Anna). Về sở Gestapo!

FREUD. Đừng làm thế! Đừng làm thế!

ANNA Kệ nó bố ơi! Tại sao con phải sợ một lũ hèn nhát như thế?...

TÊN QUỐC XÃ. Mày biết nói năng như thế sẽ có hậu quả thế nào không?

ANNA Hẳn là rõ hơn ông rồi. Tôi có cảm tưởng là ông có quá nhiều sáng kiến trong khi chỉ là một tay thanh tra quèn ở Gestapo. Ông cần phải nhớ lại rằng chúng tôi có sự ủng hộ của cả thế giới, rằng Roosevelt và thậm chí cả Mussolini đã can thiệp với Quốc Trưởng của các ông để bảo vệ chúng tôi và yêu cầu phải để chúng tôi đi.

Tên Quốc Xã tiến lại gần, giơ tay lên để đánh Anna.

FREUD. Ôi con gái bé nhỏ của tôi!

ANNA (bồi thêm) Ông chỉ là một con tốt, thanh tra ạ, và lại là một con tốt không hiểu luật chơi! Ông không biết là chúng tôi sẽ đi sao? Cả thế giới biết là chúng tôi sẽ đi.

TÊN QUỐC XÃ. Về sở Gestapo! Tôi giải nó về sở Gestapo!

ANNA Thế đấy, hãy làm bầy đàn đông lên: ông sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn.

TÊN QUỐC XÃ. (nói với Freud) Lão Do Thái kia, hãy nhìn nó lần cuối đi.

ANNA Đừng lo bố ơi. Chúng làm bố sợ vì muộn quá rồi, chúng chẳng thể làm gì hại chúng ta được.

TÊN QUỐC XÃ. Thế à? Con này xấu mà lại còn coi mình là thông minh!  Lão Do Thái kia, ngươi khéo nuôi dạy con gái thật.

Hắn kéo giật Anna đi.

ANNA (trước khi bị lôi đi) Tờ giấy đó bố ơi, đơn giản chỉ kí vào tờ giấy đó! Đừng nói gì với mẹ. Nhưng hãy kí tờ giấy, nếu không chúng ta sẽ không bao giờ có được visa xuất cảnh. (giật tay khỏi tên Quốc Xã). Buông tay ra! Tôi sẽ đi theo các ông…

Cả hai biến mất. Tên Quốc Xã đóng sập cửa lại.

 

Cảnh 3

 

FREUD. (hốt hoảng, bần thần lẩm bẩm) Tờ giấy, tờ giấy! Anna!...ôi Anna…

Ông cố gắng lắm mới  trấn tĩnh được. Lau mồ hôi trên trán và tiến về phía bàn làm việc ngổn ngang đồ đạc. Vẫn bần thần nhưng giọng đã dịu đi:

FREUD. Tờ giấy…

Một ý tưởng lóe lên. Ông cầm điện thoại và quả quyết bấm số.

FREUD. Alô, Đại Sứ Quán Mỹ phải không? Tôi là giáo sư Freud. Vui lòng nối máy cho ông Wiley được không ạ? Tôi là Freud! Việc rất khẩn! (một lúc). Alô, ông Đại sứ đó à? Tôi Freud đây. Chúng vừa bắt Anna…con gái tôi…nhưng Gestapo lại bắt! Xin ông hãy làm một điều gì đó, hãy làm một điều gì đó…vâng, vâng, tôi hứa, tôi sẽ kí tờ giấy đó…vâng, ông làm ơn gọi lại tôi!

Freud gác máy, hoảng sợ. Sau đó, quá muộn, ông nói vào chiếc ống nói đã gác xuống:

FREUD. Cảm ơn.

Ông nhớ lại điều mà Anna và ông Đại sứ nhắc ông…

FREUD. Tờ giấy…tờ giấy…

Ông tìm thấy bức thư đó và ngồi sau bàn làm việc, đọc lại.

FREUD. “Tôi là giáo sư Freud, khẳng định rằng sau khi hiệp ước giữa Áo với đế chế Đức được kí kết, tôi đã được chính quyền Đức và đặc biệt là Gestapo đối xử một cách tôn trọng và trân trọng tương xứng với danh tiếng khoa học của tôi. Tôi được sống và làm việc hoàn toàn tự do, tôi vẫn tiếp tục hành nghề theo cách mà tôi muốn, tôi đã nhận được sự hỗ trợ trong lĩnh vực này từ phía tất cả mọi người và tôi không có bất cứ lí do nào để phàn nàn.”

Ông thở dài, chợt có điều gì thôi thúc ông bước đến kí vào dưới văn bản ấy. Ông thêm vào dưới vài dòng bằng một giọng thâm trầm và châm biếm:

FREUD. ‘'’Tái bút:  tôi xin trân trọng giới thiệu cơ quan Gestapo để tất cả quý vị quan hệ.’’

Ông ép mình phải kí, nâng bút lên nhưng vào phút cuối lại hét lên ‘‘không!’’ và thôi không kí nữa. Ông vùi đầu vào hai tay, tuyệt vọng.

Cảnh 4

 

Người khách lạ đẩy tấm ri đô đúp và đột nhiên xuất  hiện. Người ta không thấy anh ta trèo qua khung cửa sổ. Sự xuất hiện của anh ta phải có vẻ vừa tự nhiên vừa huyền bí.

Đó là một người đàn ông thanh lịch, thậm chí hơi quá đà: áo complet đuôi tôm, tay mang găng, có áo choàng ngoài, tay cầm ba toong đầu tròn, trông như một chàng công tử vừa đi xem opera về.

Anh ta nhìn Freud đầy thiện cảm. Freud cảm giác có người nhìn mình, xoay người lại.

NGƯỜI LẠ MẶT (rất tự nhiên) Xin chào.

Freud đứng bật dậy, chống tay lên mặt bàn.

FREUD. Cái gì thế này! Ông là ai? (Im lặng). Ông cần gì? (Người khách lạ  mỉm cười nhưng vẫn không nói năng gì cả). Ông vào đây bằng cách nào? (Người khách lạ  vẫn tỏ ra nhã nhặn và im lặng). Ông đến đây làm gì? (Nghĩ mình đang nói chuyện với một tên trộm) Chẳng còn đồng nào nữa đâu, ông đến quá muộn rồi.

NGƯỜI LẠ MẶT (bĩu môi) Tôi thích ông khi ông đặt câu hỏi hơn.

FREUD. Ông là ai?

Người khách lạ  mỉm cười, không có vẻ muốn trả lời.

Freud, không chịu được nữa, mở ngăn kéo và rút ra một khẩu súng lục. Nhưng khi chĩa về phía Người lạ mặt, ông thấy mình hơi nực cười và lại giữ nó trong tay.

FREUD. (nói giọng rành rọt) Ông là ai?

NGƯỜI LẠ MẶT (nhẹ nhàng) Ông không tin tôi đâu và cái thứ đồ chơi này chẳng giúp gì cho ông trong chuyện đó. (Người khách lạ  tiến về phía ghế sô-pha và lịch lãm thả mình xuống). Hãy nói chuyện đôi chút, ông có muốn không?

FREUD. (đặt súng xuống) Này ông, tôi không nói chuyện với người lẻn vào nhà mình và không chịu xưng tên.

NGƯỜI LẠ MẶT (đứng dậy) Rất tốt, vì ông cứ nài thành thử…

Anh ta nhanh nhẹn tiến ra phía ri đô, mất tích sau đó hai giây. Anh ta lại xuất hiện, thở hổn hển, quần áo xộc xệch. Thấy Freud và vờ như phát hiện ra Freud đứng đó, anh ta bước nhanh về phía ông và phục dưới chân ông.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ông ơi, ông ơi, tôi xin ông, hãy cứu tôi! Hãy cứu tôi, họ đang đuổi theo tôi. (Anh ta diễn xuất thật tài tình). Họ đang ở kia, sau lưng tôi…(Anh ta chạy ra cửa sổ và dường như thấy có người ở dưới) Gestapo! Họ nhìn thấy tôi rồi. Họ đang vào nhà này! (Anh ta lại phủ phục dưới chân Freud). Hãy cứu tôi, đừng nói gì với họ cả!

FREUD. (bị cuốn theo trò diễn trong giây lát) Gestapo ư?

NGƯỜI LẠ MẶT (van nài cường điệu như trên sân khấu). Hãy giấu tôi đi! Hãy giấu tôi đi!

FREUD. (tỉnh lại, xô anh ta ra) Hãy để tôi yên!

NGƯỜI LẠ MẶT (đột nhiên ngừng không diễn trò nữa). Ông không thương xót gì một nạn nhân ư?

FREUD. Với một nạn nhân thì có; một gã hề thì không.

Người khách lạ  đứng dậy.

NGƯỜI LẠ MẶT Vậy thì đừng bắt thôi thêu dệt chuyện này chuyện nọ nữa.

FREUD. (tỉnh táo lại, nói giọng đầy quyền uy). Ông hãy nghe đây, tôi có thể đưa ra hai giả thiết để giải thích việc ông đột nhập vào đây: hoặc ông là một tên trộm hoặc ông là một người bệnh. Nếu ông là trộm cắp thì những người bạn của ông ở Gestapo đã đến trước ông mà không để lại cái cóc khô gì cho ông. Nếu ông là người bệnh, ông…

NGƯỜI LẠ MẶT Giả thiết thứ ba là gì?

FREUD. Ông không phải là một người bệnh ư?

NGƯỜI LẠ MẶT (khó chịu khi nghe thấy từ này) Bệnh, cái từ khốn kiếp này nghe như một lối thoát mà sức khỏe đã dành cho thần chết!

FREUD. Nếu không, tại sao ông đến đây?

NGƯỜI LẠ MẶT (nói dối). Người ta có thể có nhiều lý do khác: sự tò mò, sự ngưỡng mộ.

FREUD. (nhún vai). Người bệnh nào cũng nói như thế!

NGƯỜI LẠ MẶT (nói dối) Tôi có thể đến hỏi hộ ai đó…

FREUD. (vẫn giọng như thế). Đó là những cái họ nói sau đó.

NGƯỜI LẠ MẶT (khó chịu) Thôi vậy…thôi cứ cho là tôi cần ông… ông có thể giúp gì cho tôi?

FREUD. Đề nghị ông lấy lịch hẹn trước! (Đẩy anh ta ra phía cửa). Hẹn gặp lại ông vào một thời điểm phù hợp với cả hai chúng ta mà hai chúng ta cùng ấn định. Hẹn ông vài ngày nữa.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (ngăn Freud lại) Không thể được. Bởi ngày mai, tôi sẽ không ở đây nữa và trong tám tuần nữa, ông cũng vậy.

FREUD. Ông nói gì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ông sẽ đến Paris, đến chỗ công chúa Bonaparte…sau đó ở Luân Đôn, ở Maresfield Gardens…nếu trí nhớ tôi chưa tồi…

FREUD. Maresfield Gardens?...nhưng…ông muốn nói gì thì nói tôi không biết…tôi còn chưa có dự định gì…

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Có chứ, có chứ. Ông sẽ ở đó. Ông sẽ thích mùa xuân Luân Đông, ông sẽ được chào đón và ông sẽ hoàn thành cuốn sách của ông về Moïse.

FREUD. Tôi thấy là ông có đọc báo chí khoa học.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ông sẽ gọi nó là gì ấy nhỉ? Moïse và tôn giáo độc thần. Tôi sẽ không nói ra những gì mình nghĩ về nó thì hơn.

FREUD. (ngắt lời) Tôi còn chưa chọn tên cho tác phẩm cơ mà! (tự lẩm nhẩm vì thấy đề nghị của Người khách lạ  cũng thú vị ). Moïse và tôn giáo độc thần… tại sao không nhỉ? Gợi ý này cũng đ…Ông quan tâm tới phân tâm học à?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Chỉ quan tâm đến ông thôi.

FREUD. Ông là ai?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (tiếp tục gợi mở) Nhưng cái lạ nhất lại là việc ông sẽ tiếc nhớ thành Viên.

FREUD. (dữ dội) Không đời nào.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Người ta chỉ thưởng thức được hương vị của trái cây sau khi đã ăn nó; ông thuộc số những người chỉ biết đến thiên đường sau khi đã đánh mất. Đúng, ông sẽ tiếc nhớ thành Viên…và ngay từ bây giờ ông đã tiếc nhớ nó vì từ một tháng nay, ông từ chối ra đi.

FREUD. Đó là vì tôi lạc quan. Tôi ngỡ rằng tình hình sẽ được cải thiện.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Đó là vì luyến tiếc. Ông đã chơi ở Prater từ hồi còn để chỏm, ông đã phát biểu lý thuyết đầu tiên của mình trong các quán cà phê ở đây, ông đã tay trong tay với tình yêu đầu của mình đi dọc bờ Danube, rồi đã có lúc ông muốn chết trong dòng nước xanh thẫm của nó…cái ông để lại ở Viên khi ra đi chính là cả tuổi trẻ của mình. Ở Luân Đôn, ông chỉ là một ông già. (rất nhanh, nói với riêng mình). Ấy vậy mà tôi lại ghen tị với ông đấy…

FREUD. Ông là ai?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ông sẽ không tin tôi đâu.

FREUD. (để kết thúc sự nghi ngờ) Vậy thì ông đi đi.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Hẳn ông đã chán cuộc đời này lắm nên mới xua đuổi tôi sớm như vậy. Tôi cứ ngỡ ông phải niềm nở hơn với người bệnh, bác sỹ Freud ạ. Ông đuổi tôi đi, có phải đây là cách đối xử với người bị loạn thần kinh? Khi ông là sự cứu rỗi duy nhất? Hãy tưởng tượng rằng tôi rời khỏi đây rồi lao đầu vào một chiếc ô tô tự tử thì sao?

Freud, thực sự ngạc nhiên vì thái độ của người khách lạ, thả mình xuống chiếc sô-pha.

FREUD. Ông đến không đúng lúc, tối nay, không còn bác sỹ Freud nào nữa…Chữa trị cho những người khác…Ông nghĩ là việc chữa trị cho người khác sẽ ngăn tôi không phải chịu đau khổ ư? Thậm chí có những tối tôi gần như giận người khác vì tôi đã cứu họ; tôi quá cô độc, tôi đây, với nỗi đau của mình. Không ai cứu giúp…

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Con bé sẽ trở về. (Freud làm một động tác hỏi). Anna ấy mà. Chúng sẽ giữ cô ấy không lâu. Chúng biết rất rõ là không được giữ cô ấy. Và ông sẽ ôm cô ấy trong vòng tay của mình khi cô ấy trở về. Ông sẽ ôm cô ấy với một sự hạnh phúc không khác sự tuyệt vọng là mấy, với suy nghĩ rằng cuộc sống chỉ treo trên một sợi chỉ, một sợi chỉ mới mong manh làm sao, mỏng mảnh làm sao, và rằng sợi chỉ ấy đang tạm thời đang được căng lại…chính sự mong manh ấy làm người ta có sức mạnh để yêu…

FREUD. Ông là ai?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Trông ông thế này tôi muốn nói cho ông biết quá.

Anh ta làm động tác vuốt tóc mình.

Freud ngạc nhiên, phản ứng lại bằng cách đưa ra một quyết định. Ông kiên quyết đứng dậy. Người bác sỹ trị liệu trong ông đã trỗi dậy.

FREUD. Ông có cần tôi giúp không?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (hơi ngạc nhiên). Có chứ. Tức là không. Tôi muốn nói là….tôi thật lố bịch…sự lạc quan đã làm đầu óc tôi rối lên…Thực tình mà nói, tôi thấy hơi nghi ngờ…

FREUD. … rằng tôi có thể giúp ông. Đương nhiên rồi! (Ông tỏ ra vui như thường thấy). Họ đều cho mình là duy nhất khi khoa học lại mặc định rằng không phải vậy. Tôi sẽ khám cho ông vì dù gì đêm nay cũng phải đợi. (Ông ngẩng đầu nhìn về phía Người lạ mặt). Thật ngạc nhiên, tôi không muốn chăm sóc ông lắm.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ông có lý đấy.

FREUD. (xoa xoa hai bàn tay vào nhau). Xong. Chúng ta bắt đầu thôi. (Trông ông đã hoạt bát trở lại). Rất tốt, ông nằm xuống kia. (Ông chỉ tay về phía ghế sô-Pha, Người khách lạ  nằm xuống ghế). Tên ông là gì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Thật đấy hả?

FREUD. Đây là nguyên tắc. (Kiên nhẫn). Tên ông là gì? Bố ông tên là gì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tôi không có cha.

FREUD. Tên riêng của ông?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Có ai gọi tên tôi đâu mà có.

FREUD. (bực dọc) Ông có tín nhiệm tôi không?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Hoàn toàn có; chính ông là người không tín nhiệm tôi.

FREUD. Thôi được, chúng ta sẽ thay đổi phương pháp. Hãy kể cho tôi một giấc mơ…giấc mơ gần đây nhất của ông.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tôi chẳng bao giờ mơ cả.

FREUD. (chẩn đoán) Khóa kí ức bằng kiểm duyệt: ca này nghiêm trọng nhưng cổ điển. Hãy kể cho tôi một câu chuyện.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Bất cứ chuyện gì ư?

FREUD. Bất cứ chuyện gì.

Người khách lạ bèn nhìn thẳng vào Freud như thể anh ta đang dò xét tâm hồn ông. Dường như trong một khoảnh khắc, tìm được năng lượng trong cái nhìn của Freud, ông ta bắt đầu nói.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tôi năm tuổi, và vào hồi đó, bầu trời vẫn xanh, mặt trời vẫn vàng và những cô hầu ca hát từ sáng đến tối, từ bộ ngực lấp ló của họ tỏa ra một mùi thơm vani.

Thế rồi một ngày, tôi còn có một mình ở trong bếp.

Đó là một căn phòng lớn trong đó đồ đạc được kê sát vào tường, níu lấy nhau, như thể để chạy trốn khoảng không gian trống rỗng rộng mênh mông nơi những viên gạch lát màu trắng và đỏ vẽ nên những con đường chạy về mọi phía. Thông thường, đó là nơi diễn ra các cuộc phiêu lưu của tôi: khi bò, ta có thể luồn qua chân của những người ở trong nhà, kiếm được một mẩu mỡ, hay liếm đĩa đựng bánh ga tô…Tại sao, mọi người lại ra đi tất cả ngày hôm ấy? Tôi không biết, đó là chuyện của người lớn, tôi không nhận thấy điều ấy, tôi ở đó, ngồi trên những viên gạch đỏ cháy và màu trắng đục.

Mỗi viên gạch lát là cả một thế giới; chỉ với người lớn thì những viên gạch lát là cái tạo nên sàn  nhà; với một đứa trẻ, mỗi viên gạch có một hình dạng riêng. Với những lớp lồi lõm và đường vân đủ dạng của mình, viên gạch này miêu tả một con rồng đang đứng ở cuối hang, mồm ngoác ra; viên kia lại cho thấy một đoàn người hành hương đang đi; một viên khác lại cho thấy một khuôn mặt sau cửa kính lấm chấm bùn, viên khác…Nhà bếp là cả một thế giới bao la nơi những thế giới khác hiện hình, chúng hiện ra dưới con mắt chột của những viên gạch.

Rồi đột nhiên, tôi cất tiếng gọi. Tôi không biết tại sao. Có thể để tôi nghe thấy tiếng mình và biết mình tồn tại và để ai đó xuất hiện. Tôi cất tiếng gọi. Chỉ có sự im lặng đáp lại. (Freud mỗi lúc lại thêm sửng sốt bởi câu chuyện). Đám gạch trở nên phẳng lì. Chúng câm lặng.

Bếp lò thì đang ngủ. Lò sưởi, nơi lúc nào cũng có một cái xoong cầm tay kêu vù vù, trông như đã chết.

Freud mắt nhìn xa xăm về kỷ niệm, môi mấp máy cùng lúc với Người lạ mặt.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Và tôi kêu lên.

Và giọng tôi vang lên tầng hai, tầng ba, dội vào những bức tường trống trơn nơi chẳng có cái tai nào để nghe thấy tiếng kêu.

FREUD. (Freud tiếp tục nói như thể ông đã biết văn bản ấy rồi) Và giọng tôi vang lên, vang lên…và tiếng vang vọng lại chỉ làm sự yên lặng nghe rõ hơn.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (tiếp tục không đứt đoạn). Nhà bếp trở nên xa lạ, mọi vật được đặt cạnh kề nhau, sàn nhà rất sạch.

FREUD. Thế giới và tôi, chúng tôi từ nay đã tách biệt. Vào lúc đó tôi nghĩ…

NGƯỜI LẠ MẶT và FREUD. (Người khách lạ đồng thanh đọc cùng Freud) ‘‘Tôi là Sigmund Freud, tôi năm tuổi, tôi sống trên đời; Tôi sẽ nhớ mãi phút giây này.’’

Bẵng đi một lúc. Freud chầm chậm quay về phía Người lạ mặt.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (tiếp tục nói giọng mơ màng). Và anh cũng đã nghĩ tới một điều mà không nói ra lần ấy đó là ‘‘và ngôi nhà trống rỗng khi tôi kêu và khóc. Không ai nghe thấy tôi cả. Và thế giới chính là ngôi nhà rộng thênh thang ấy nơi không ai trả lời khi có tiếng gọi.’’ (Một lúc). Ta đến nói với anh là không phải như vậy. Lúc nào cũng có người nghe thấy anh nói. Và đến với anh.

Freud nhìn Người khách lạ một cách sợ sệt.

Rồi đến gần anh ta, sờ vào người anh ta.

Thấy anh ta là người thật, ông lùi lại.

FREUD. Không thể có chuyện như vậy được. Người ta đã cung cấp thông tin cho ông. Ông đã đến chỗ Gestapo, ông đã đọc những gì tôi viết.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tại sao? Ông đã viết cái đó ra chưa?

FREUD. (ngập ngừng). Chưa. Cũng chưa kể với ai hết. (ngập ngừng). Ông vừa nghĩ ra những lời ấy!

Người khách lạ không trả lời.

Ngơ ngác một lúc, vẫn tiếp tục nghi ngờ, Freud nảy ra một ý tưởng.

FREUD. Đừng cử động. (Ông quơ lấy chiếc đồng hồ quả quýt để trên bàn). Hãy nằm xuống, vâng, ở đấy, ông nằm xuống đi.

Người khách lạ làm theo chỉ dẫn.

Freud thả chiếc đồng hồ lơ lửng phía trước Người khách lạ và chầm chậm đung đưa đồng hồ theo chuyển động quả lắc.

FREUD. Ông đang mệt, ông thả mình thư thái, ông…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (thấy buồn cười) Thôi miên phải không bác sỹ? Tôi nghĩ là ông đã bỏ phương pháp này từ nhiều năm nay rồi mà.

FREUD. Khi đối tượng tự khép kín quá không chấp nhận trao đổi, không gì tốt bằng cái đồng hồ cũ của tôi. (tiếp tục nói giọng đầy sức thuyết phục). Mí mắt ông càng ngày càng nặng…phải ngủ thôi…ông cố gắng nhấc cánh tay trái lên nhưng không thể...ông quá mệt, quá uể oải. Phải ngủ thôi. Ngủ thôi, cần ph…

Người khách lạ thiu thiu ngủ.

Trong suốt thời gian thôi miên, có một tiếng nhạc kì lạ, không xác định được, rất êm ái nổi lên làm khung cảnh trở nên siêu thực. Chính giọng của Người khách lạ  cũng du dương như nhạc khi trả lời Freud.

FREUD. Ông là ai?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Danh tính chỉ để cho đồng loại. Tôi là người duy nhất trong loài của mình.

FREUD.  Cha mẹ ông là ai?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tôi không có cha mẹ.

FREUD. Họ chết rồi à?

NGƯỜI LẠ MẶT.Tôi mồ côi từ khi được sinh ra.

FREUD. Ông không có kỷ niệm gì về họ sao?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tôi không có kỷ niệm nào.

FREUD.Tại sao ông không muốn có kỷ niệm.

NGƯỜI LẠ MẶT.Tôi muốn có kỷ niệm nhưng tôi không có kỷ niệm nào cả.

FREUD. Tại sao ông muốn quên?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tôi không bao giờ quên bất cứ điều gì, nhưng tôi không bao giờ có kỷ niệm.

FREUD. Ông biết Sigmund Freud khi nào?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Lần đầu tiên khi ông ta nói với tôi, ông ta nói ‘‘ Tôi là Sigmund Freud, tôi năm tuổi, tôi tồn tại; tôi cần phải ghi nhớ khoảnh khắc này.’’ Tôi đã nghe tiếng nói nhỏ nhẹ, mỏng mảnh và đẫm nước mắt ấy vang lên giữa những tiếng ta thán của đời.

FREUD. Nhưng Sigmund Freud già hơn ông. Ông bao nhiêu tuổi?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tôi không có tuổi.

FREUD. Ông không thể nghe thấy Sigmund Freud nói, ông còn chưa sinh ra cơ mà.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Đúng quá: tôi không được sinh ra bao giờ cả.

FREUD.  Ông ở đâu khi ông nghe thấy giọng nói của Freud?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Chẳng ở đâu cả. Không xa, không gần, thậm chí cũng không ở chỗ khác. Đó là cái…không thể tưởng tượng được bởi người ta chỉ tưởng tượng được từ hình ảnh, trong khi ở đó chẳng có bất cứ gì, không thảo nguyên, không mây, không chân trời xanh ngắt, chẳng có gì cả…Ông ở đâu khi ông mơ?

FREUD. Tôi mới là người đặt câu hỏi. Nơi ông...những con người... ở đâu?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Trong tôi, nhưng không ở đâu cả, giống như những giấc mơ ở trong họ ấy.

FREUD. Ông ở đâu trong thời điểm này?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ở Viên, nước Áo, ngày 22 tháng 4 năm 1938, nhà số 19 phố Berggasse, trong phòng khám của bác sỹ Freud.

FREUD.  Bác sỹ Freud là ai?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Một con người đã tung ra nhiều luận thuyết, đúng nhiều như sai, tóm lại là một thiên tài.

FREUD. Tại sao ông lại đến với ông ta?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Những người thấu thị thường bị chọc mù mắt còn đám tiên tri thì ung thư họng. Ông ta đang ốm nặng.

FREUD. Ông ta sắp chết chứ?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Sắp.

FREUD. Bao giờ?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ngày 23 tháng 9…(đột nhiên mở mắt). Rất tiếc thưa bác sỹ, tôi không trả lời những câu hỏi kiểu này.

Âm nhạc đột nhiên ngưng bặt.

FREUD. (sững sờ vừa bởi việc Người khách lạ choàng tỉnh, vừa bởi câu trả lời của anh ta). thế này là thế  nào…người ta không thể thoát khỏi thôi miên như vậy…ông…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nếu tôi trả lời câu hỏi của ông, ông có thể sẽ chết vào ngày đó chỉ để chiều lòng tôi. Lúc đó tôi sẽ cảm thấy mình có lỗi.

Anh ta đứng dậy và nhảy tung tăng trong phòng.

FREUD. (nói với mình) Tôi điên mất thôi.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Khôn ngoan hay đi theo sự điên cuồng hơn là theo lý trí. (Anh ta vặn vẹo chân tay). Thật buồn cười khi có một cơ thể, chà, mình mẩy tê cứng mới nhanh làm sao! Tôi đã mất thói quen ấy. (nhìn mình trong gương). Ông thấy tôi thế nào? Thật buồn cười cái mặt này phải không? Tôi lấy cho mình bộ dạng của một tay diễn viên kịch, người sẽ được sinh sau khi ông chết rồi.

FREUD. (đột nhiên). Ông đẹp đấy.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (thực sự ngạc nhiên, anh ta nghiêng người về phía gương). Thế hả? Tuy nhiên, điều đó chẳng có bất cứ mối liên hệ nào với cái đích thực là tôi.

FREUD. (cũng tiến lại gần tấm gương). Ông có nghĩ là tôi nhận ra mình, tôi ấy, trong cái lão già râu rậm đang đợi tôi trong tấm gương không? Tôi dần quen với cái đó nhưng tôi không thấy mình trong đó…

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ông không yêu hình hài của mình phải không?

FREUD. Do cái miệng nó chuyển động theo cái miệng của tôi và cái tay trả lời cái tay của tôi, nên tôi tự nhủ: ‘‘đó là mình’’. Nhưng ‘‘tôi’’, không phải là cái trán nhăn nhúm này, cũng chẳng phải cặp lông mày muối tiêu, cũng không phải cặp môi càng ngày càng khô cứng; trán tôi đã từng trơn láng, tôi từng có một mái tóc màu hạt dẻ; nhưng cũng vậy thôi; tôi…tôi có thể không có một thân thể như thế này.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Lạ thật. Ông miêu tả cái chính tôi cảm thấy mỗi khi tôi nhập thể. Tôi không bao giờ nghĩ rằng các người cũng cảm thấy như thế.

FREUD. (vẫn nhìn vào gương và ngắm Người khách lạ một chập). Xin ông thứ lỗi: tôi không thể tin được đây là ông.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta biết. Anh không tin vào ta. Bác sỹ Freud là kẻ vô thần, một kẻ vô thần tuyệt vời, một kẻ vô thần cải đạo cho người khác, một kẻ vô thần tân tòng.

FREUD. Tại sao lại là tôi? Tại sao không đến nhà một cha xứ hay một giáo trưởng Do thái?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (nhẹ nhàng) Không gì chán bằng việc nói chuyện với một người ngưỡng mộ mình. Ngoài ra…

FREUD. Ngoài ra…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta không chắc rằng một linh mục sẽ nhận ra ta tốt hơn anh. Những người đó đã quen với việc nói năng nhân danh ta, hành động thay ta, đưa ra  những lời khuyên răn thay ta, đến nỗi…ta có cảm giác mình làm phiền họ.

Có tiếng bốt và tiếng gọi nhau trên đường.

FREUD.  Tại sao lại là tôi? (một lúc). Để cải đạo tôi ư?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (cười) Kiêu ngạo làm sao! Không. Quá muộn rồi. Vài tháng nữa, ông sẽ xuất bản cuốn sách của mình mang tên Moïse…Ta không cải đạo cho anh.

FREUD. Tôi nhìn thấy ông đây.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Anh thấy một con người và không gì nữa cả.

FREUD. Ông đột ngột xuất hiện.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta có thể vào bằng đường cửa sổ.

FREUD. Ông đã biết trước rằng Gestapo sẽ giải Anna đi.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Cả tòa nhà này đều biết.

FREUD. Ông đang đùa. Làm thế nào ông có thể kể những gì tôi đã trải qua khi tôi năm tuổi?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Anh nghĩ mình độc nhất vô nhị đến thế ư? Có những người có khả năng kể ra những câu chuyện mà người nghe ai cũng nghĩ đó là câu chuyện về họ: đó là các nhà văn. Có thể ta không phải là Thượng Đế  mà chỉ là một nhà văn giỏi thì sao nhỉ?...Anh chắc chắn không phải là người duy nhất, lúc đang dạng chân ra trên sàn gạch nhà bếp một ngày nào đó, chợt nhận ra rằng Ngài tồn tại.

FREUD. (gạt bỏ tất cả những sự phản đối này bằng một sự bực bội mạnh mẽ). Tôi biết mình tin vào cái gì.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (tiến lại gần, mặt lo lắng). Lạ quá nhỉ ông bạn Freud của ta, dường như đột nhiên anh muốn tin…rồi khoan khoái cuộn mình trong những xác tín…(đột nhiên). Anh bao nhiêu tuổi khi ông ấy chết?

FREUD. Ai?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Bố anh đấy?

FREUD. Bốn mươi tuổi.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Đừng giả vờ không hiểu câu hỏi của ta: khi bố anh chết trong tâm tư của anh, anh bao nhiêu tuổi ?

FREUD. (không muốn trả lời). Lâu quá rồi...

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Xem nào, khi đó có lẽ anh chừng 13 tuổi, 13 năm trên cuộc đời này, khi anh nhận ra rằng bố anh có thể sai lầm, rằng mỗi khi sai lầm, thậm chí sai rành rành, ông ta ngoan cố giữ quan điểm sai của mình và cái anh đã cho là quyền năng của người đúng đắn hóa ra chỉ là sự điêu toa của kẻ ngu dốt. Và anh đã nhận thấy rằng ông ấy có những điểm yếu, rằng ông ấy có thể cảm thấy rụt rè, nghi ngại cách làm một cái gì đó, sợ hàng xóm, sợ vợ…Và anh nhận ra rằng những nguyên tắc của ông ấy có thể không phải là những nguyên tắc ‘‘vàng’’ bất hủ như việc mặt trời ở phía sau những đám mây, nhưng đơn thuần chỉ là nguyên tắc của ông ấy mà thôi, như những đôi giày đi trong nhà của ông ấy, một số trong số biết bao nguyên tắc, những câu nói đơn giản mà ông ấy cố sức nhắc đi nhắc lại, cứ như thể việc nhai đi nhai lại những thứ ấy có thế củng cố tính đúng đắn của chúng. Anh nhận ra ông ấy già đi, tay nhũn nhẽo, da sậm đi, lưng còng, và chính tư duy của ông ấy phát triển mò mẫm. Tóm lại, có một ngày mà anh đã biết chắc rằng bố mình chỉ là một con người.

FREUD. Tôi trưởng thành từ ngày ấy.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Thật không? Chính vào ngày đó, trẻ con hơn trẻ con, anh đã hướng về Thượng Đế. Vì dỗi yêu mà anh đã muốn tin Freud ạ. Anh muốn thay thế người cha tự nhiên của mình bằng một người cha siêu nhiên. Anh đã đặt ông ấy lên tận mây xanh…

FREUD. Nhưng…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Đừng nói điều ngược lại, đó là cái anh đã tự viết trong tất cả trước tác của mình. Bởi người cha trần tục đã chết, anh đã phóng chiếu hình ảnh ông ấy lên trời. Đó chính là nguồn gốc của ý thức về Thượng Đế theo anh: con người làm ra Thượng Đế bởi quá muốn tin vào Thượng Đế. Đó là một sự sáng tạo của con người. Vì cần nên con người mới tạo ra cái gì đó. (nói to). Như vậy, ta chỉ là một sự thỏa mãn hoang tưởng phải không?! (hét lên). Đúng không?

FREUD. (yếu ớt) Đúng thế.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Như vậy, nếu anh đúng Freud ạ, thì anh đang nằm mơ giữa ban ngày đấy. Không phải là cái gì khác. Hừ, ta chỉ là một ảo tưởng!

Có tiếng lính quát ầm ĩ trong tòa nhà

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Bởi tối nay, một phần vì anh đã già, một phần vì người ta đã bắt mất con của anh, một phần vì chúng xua đuổi, anh trở thành một đứa trẻ và anh cần một người cha. Và rồi Người khách lạ đầu tiên lẻn vào nhà anh một cách hơi khó hiểu, nói năng huyền bí và thế là anh ta thành công. Anh đã quên tất cả những gì mình bài xích và anh tin.

Tiếng động nghe gần hơn.

FREUD. Chưa có người nào nói với tôi những điều ông nói lúc nãy khi đang bị thôi miên.

Cùng lúc đó, có tiếng đập cửa thình thịch. Một cách ngơ ngác, Freud sợ hãi nhìn Người lạ mặt, như thể hỏi anh ta chuyện gì đang xảy ra.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (thì thầm) Thế nào, trả lời đi chứ.

Người khách lạ  bước nhanh về phía ri đô. Cùng lúc đó tên Quốc Xã xuất hiện.

Cảnh 5

 

Tên Quốc Xã bước vào và nhìn quanh quất, vẻ nghi ngờ.

TÊN QUỐC XÃ. Có gì mà chùng chình thế. (hắn ra hiệu cho đám lính đang đứng ở phòng đợi). Cứ tiếp tục, tôi sẽ ở đây.

FREUD. Con gái tôi đâu?

TÊN QUỐC XÃ. (xem xét căn phòng). Ở sở Gestapo.

FREUD. Ông không đưa nó về sao?

TÊN QUỐC XÃ. Còn xem đã. Hiện tại, họ đang vui đùa một chút với cô gái. Cô ấy rất hấp dẫn. (Đột nhiên hỏi). Ông ở đây một mình hả?

FREUD. (khó chịu) Tất nhiên rồi. Như ông thấy đấy.

TÊN QUỐC XÃ. (đi ngang bàn làm việc). À, tôi thấy có người đã mang tờ giấy ra rồi đây…(hắn cầm tờ giấy lên để xem). Bây giờ nên ngoan ngoãn và kí vào tờ giấy này đi.

FREUD. (quay đầu ra chỗ khác). Thế còn con gái tôi?

TÊN QUỐC XÃ. (giọng thuyết phục và huơ tờ giấy trước mắt Freud). Hãy kiên nhẫn, người ta chắc chắn sẽ trả con gái lại cho ông nếu ông ra đi… người ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội đuổi cổ vài tên Do Thái đâu.

FREUD. Ông trả con tôi lại cho tôi…nguyên vẹn chứ?

TÊN QUỐC XÃ. (cười khùng khục). Tại sao? Ông vẫn hy vọng gả được chồng cho nó hả? (Hắn đứng lại trước giá sách và thôi cười). Lạ thật, với lũ Do Thái, tôi có thể ngửi thấy chúng mà không cần nhìn, cứ như thể tôi có trực giác đặc biệt về việc này.

FREUD. Thế hả? Ông đã ngửi tôi chưa?

TÊN QUỐC XÃ. (cười) À, cái đó thì.

FREUD. Thế tôi có mùi gì?

TÊN QUỐC XÃ. (đáp gọn). Không phải ông là người có mùi mà chính là tôi, tôi có mùi khi ông ở đây.

FREUD. Ông có mùi gì?

TÊN QUỐC XÃ. Mùi cứt.

FREUD. (rất ngạc nhiên) Cái gì cơ?

TÊN QUỐC XÃ. Rất đơn giản, tôi lúc nào cũng bị như vậy. Khi tôi thấy mình xấu xí, đáng thương, khi tôi tự nhủ mình đang cháy túi và ngày mai mọi chuyện cũng chẳng khấm khá hơn, khi tôi tự nhủ rằng không người đàn bà nào thèm để mắt đến tôi thì tôi chỉ cần quay lại, và không bao giờ chệch đi đâu được: lúc nào cũng có một gã Do Thái đang nhìn tôi. Gã Do Thái làm tôi bốc mùi cứt. Chính là vì hắn, lúc nào cũng vậy. Xem nào, ở đây, vào lúc này, khi tôi ở nhà ông, và khi tôi nhìn thấy tất cả những thứ này: nào đồ đạc, nào tranh vẽ, thảm tường, nào bàn làm việc, nào cả đống sách vở mà tôi chưa từng đọc, tôi thấy họng mình nghẹn lại: tôi biết là mình đang ở trong nhà một tên Do Thái.

FREUD. Lạ thật: khi thấy mình tầm thường tôi chỉ tự giận mình thôi.

TÊN QUỐC XÃ. Chuyện bình thường, ông là người Do Thái mà. (nhấn mạnh). Đó như là một trực giác, tôi đã nói với ông rồi, mũi tôi tài tình lắm.

Không có chuyển cảnh, tên Quốc Xã rút ra một hồ sơ khỏi túi. Đây là lí do chuyến thăm viếng của hắn.

TÊN QUỐC XÃ. Cái gì đây?

Freud không trả lời. Ông thực sự khó chịu khi nhìn thấy bộ hồ sơ.

TÊN QUỐC XÃ. Thật buồn cười khi ông không nhảy lên vì sung sướng…Tuy nhiên, có lẽ ông phải lo lắng khi đánh mất nó mới phải chứ nhỉ?...và đây là một điều cần thiết, một tờ di chúc…nhất là ở tuổi ông…và vì thời gian trôi rất nhanh…

FREUD. Cuối cùng ông muốn gì đây?

TÊN QUỐC XÃ. Quá rõ rồi. Tôi thấy trên di chúc của ông rằng ông có tài khoản ở ngân hàng nước ngoài. Điều này không tốt, ông đã không nói với chúng tôi…

FREUD. (yếu ớt) Các ông có hỏi tôi điều đó không?

TÊN QUỐC XÃ. Tiết kiệm tiền cho riêng mình là hành động chống quốc gia …ông ăn trộm của Nhà nước…Thế nào, ông không muốn mang số tài sản ấy về cho chúng tôi hay sao? Và còn phải nhanh nữa?

FREUD. Tiền này để dành cho các con tôi…

TÊN QUỐC XÃ. Ông nói có lý! Thật trùng hợp làm sao, có thể con gái ông sẽ cần đến số tiền này nơi cái chỗ cô ta đang ở…có thể, điều đó sẽ làm cho các cuộc hỏi cung nhẹ nhàng hơn…ai mà biết được? (giọng đê tiện). Tôi là người duy nhất biết đến sự tồn tại của di chúc này. Nếu tôi mang về đó thì sẽ chẳng ra gì, ở sở Gestapo ấy, khi tôi trưng tờ giấy ti tiện này ra, không, sẽ chẳng ra gì cả, nó sẽ mang lại hậu quả xấu. Cho ông. Cho cô ta.

FREUD. (nhượng bộ) Vậy ông muốn tôi làm gì?

TÊN QUỐC XÃ. Có gì đâu, đầu tiên ông phải suy nghĩ…hình như ông làm việc này rất giỏi thưa giáo sư…(Một tay trưng ra bản di chúc, tay kia là tờ xác nhận mà Freud chưa kí). Bởi vì, nói thẳng ra thì tôi sợ rằng bức di chúc này sẽ hủy bỏ giấy thông hành mà ông có khả năng có, ông nghĩ sao?

Hắn quay ra phía cửa và quát đám lính ngoài hành lang:

TÊN QUỐC XÃ. Không có ai ở đây cả, bỏ qua. Lên tầng trên.

FREUD. (Buột miệng) Có chuyện gì vậy? Ông tìm ai hả?

TÊN QUỐC XÃ. Ông không nhìn thấy ai đấy chứ? Vậy thì!...(Hắn dừng lại ở bậu cửa). Hãy suy nghĩ đi, và xem ông có thể làm gì. Theo tôi, chuyện này chỉ nên tôi và ông biết…ông hiểu tôi muốn nói gì chứ? (Cười ngoác miệng). Tôi sẽ quay lại…

Hắn đi ra ngoài.

 

Cảnh 6

 

Người khách lạ  bước ra khỏi tấm ri đô. Mắt nhìn xa xăm như thể anh ta có thể nhìn rất xa.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Người đàn ông này nói dối.

FREUD. (Vẫn chưa trấn tĩnh lại). Đáng tiếc là hắn nói đúng: tôi có tài khoản ở nước ngoài.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Hắn nói dối về chuyện của Anna. Người ta không hỏi cung cô ấy.

FREUD. (ngay lập tức trở nên lo lắng). Anna! Chúng làm gì con bé?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (nhìn đăm đăm về phía xa). Cô ấy đang ở sở Gestapo, khách sạn Métropole. Cô ây đang đứng ở hành lang, đợi.

FREUD. Tốt.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Không, không tốt. Cô ấy biết rằng nếu mình còn ở lại hành lang mà không bị xét hỏi, cô ấy có nguy cơ bị gom lại tối nay, cùng với tất cả những người Do Thái khác và bị đày vào trại tập trung…hoặc xử bắn.

Freud kêu lên như một con thú và lao vào Người lạ mặt, tóm lấy cổ anh ta.

FREUD. Hãy làm một việc gì đi!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Con bé cần phải được xét hỏi.

FREUD. Hãy can thiệp đi! Nhanh!

Người khách lạ bình tĩnh đẩy tay Freud ra và tiếp tục nói những gì anh ta nhìn thấy.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Cô ấy sờ cái gì đó trong túi, tôi không nhìn rõ…một cái lọ…

Freud đột nhiên thả mình xuống một cái ghế.

FREUD. (giọng nhợt nhạt) Tôi biết đó là cái gì. Thuốc độc Véronal. Nó đã bảo Schur, bác sỹ của tôi đưa cho nó. Nó muốn chúng tôi tự tử.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (nhìn lơ đãng một chút ) con bé đã đề nghị ông như vậy à?

FREUD. Đúng thế.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (vẫn thế) Thế ông trả lời thế nào?

FREUD. Rằng đó chính là cái bọn quốc xã muốn, vì thế chúng ta không được làm như vậy.

NGƯỜI LẠ MẶT: (lấy lại sự tập trung trong việc nhìn) Hiện tại, cô ấy chỉ cầm lọ thuốc trong tay, nó làm cô ấy yên tâm. Bây giờ, cô ấy đưa cẳng tay lên miệng và…

Anh ta phá lên cười

FREUD. Con bé làm gì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (vẫn cười). Cô ấy cắn vào tay đến chảy máu…xong rồi…chảy máu rồi!

FREUD. (Điên lên vì lo lắng). Nó làm cái trò gì vậy?!

Người khách lạ đột nhiên thôi không nhìn nữa như thể anh ta vừa tắt một chiếc máy nào đó.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Không có vấn đề gì, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

FREUD. Suôn sẻ làm sao được! Nói tiếp đi!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (Rất nhanh). Bọn Quốc Xã chạy đến. Cô ấy đã thành công: cô ấy đã làm chúng chú ý đến mình, chúng sẽ xét hỏi cô ấy. Chúng sẵn sàng giết hàng nghìn người nhưng chúng sẽ luôn chăm sóc một người phụ nữ bị chảy máu bởi một vết thương vô hại. Ông đừng lo:  ông có một đứa con gái thông minh, Freud thân mến của tôi ạ…

Freud quá choáng váng vì những gì vừa nghe thấy.

FREUD. Tôi…tôi…hình như tôi có thể tin những gì ông vừa nói.

Người khách lạ  làm hiệu gật đầu. Anh ta tiến lại gần Freud, tươi cười, cầm tay ông và siết lấy chúng và làm ông bình tĩnh lại. Anh ta chìa tờ giấy thông hành với một cây bút cho Freud để kí.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Năm trăm vụ tự tử từ một tháng nay tại Viên. Chủ yếu là người Do Thái.

FREUD. Làm sao ông biết?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tôi đọc báo. Các nhà chức trách Quốc Xã đã cho đăng một tiểu chú đính chính sau đó nói rằng những lời đồn đại quá thổi phồng sự việc và chỉ có bốn trăm tám mươi bảy người tự nguyện tìm đến cái chết. Bọn họ có khiếu về sự chính xác.

Lại có tiếng chân vang lên trong sảnh đợi và tên Quốc Xã đang hét lên ra lệnh.

FREUD. (sợ hãi) Hắn quay lại! Tôi sẽ nói gì với hắn đây? Nếu tôi chấp nhận, chúng tôi không còn gì nữa!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Hãy lật ngược tình thế.

FREUD. Làm thế nào đây?

Người khách lạ  lấy một bức ảnh trên mặt bàn và chìa ra cho Freud.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Cầm lấy, hãy sử dụng cái này.

FREUD. Bức ảnh này hả? Để làm gì? Ông muốn tôi nói gì với hắn? Hãy ở lại với tôi!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Thôi nào Freud, đừng trẻ con thế. Bây giờ thì anh phải tin.

FREUD. Hãy ở lại với tôi! Hãy nói chuyện với hắn!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nực cười! Dù gì, hắn không thể nhìn thấy tôi. Chỉ có anh là nhìn thấy ta, tối nay.

 

Cảnh 7

 

Tên Quốc Xã bước vào. Người khách lạ đã nhảy ra phía sau tấm ri đô. Freud còn đờ đẫn cầm bức ảnh mà Người khách lạ đặt vào tay ông. 

TÊN QUỐC XÃ. Thế nào, giáo sư Freud, ông đã suy nghĩ rồi chứ?

FREUD. Đúng là tôi đã suy nghĩ.

Ông tìm cách kéo dài thời gian bằng cách đi đi lại lại trong phòng.

FREUD. (vẻ suy tư, nhìn tên Quốc Xã) Vâng, tôi đã nghĩ…(ông vận hết sức lực). Tôi vô tình tìm thấy bức ảnh này (Ông nhìn xuống bức ảnh trên tay mình) và tôi tự nhủ…

TÊN QUỐC XÃ. (Không nhìn) Đừng vòng vo. Ồng chuyển tiền cho tôi thế nào đây?

FREUD. (Đã tìm ra chiến thuật) Tôi sẽ nói đến chuyện đó, sẽ nói đến ngay đây…Vậy là tôi đã tìm thấy bức ảnh chân dung này và khi nhìn nó tôi nghĩ về những gì ông nói với tôi khi ông khẳng định rằng mũi của mình rất thính để phát hiện ra người Do Thái. Một cái mũi phải không? Vậy thì, có một điều rất lạ, bởi vì…tôi nghĩ rằng…à không!...có lẽ tôi nhầm…

TÊN QUỐC XÃ. Gì cơ?

FREUD.  Không, tôi đang nghĩ là…cái mũi này…

TÊN QUỐC XÃ. (Lo lắng) Sao?

FREUD. Mũi của ông. Nét nào giống nét ấy, hai cái lỗ mũi giống hệt nhau, hệt như cái mũi ông chú Simon vốn là giáo sĩ Do Thái của tôi. (Theo bản năng, tên Quốc Xã đặt tay lên mũi). Kể cả người như tôi, không giỏi lắm trong việc coi tướng mạo, nhưng thế này thì đúng là…con hơn cả việc người trong gia đình trông hao hao nhau…mà là…có thể nhận thấy là, xét cho kỹ thì tôi có cái mũi thẳng hơn nhiều, không khoằm như ông…Nhưng tôi là người Do Thái! Dù rằng tôi chẳng bao giờ đến nhà nguyện…Nhưng tôi là người Do Thái! Dù rằng tôi không bao giờ làm cái gì vì tiền…Nhưng tôi là người Do Thái! Nhưng dù sao thật ngạc nhiên, sao thế nhỉ…chưa ai nói với ông về cái mũi của ông hả?

TÊN QUỐC XÃ. (Lùi bước) Tôi phải đi.

FREUD. Ông có ai trong họ hàng…

TÊN QUỐC XÃ. Tôi phải đi.

FREUD. Vâng, ông có lý do để đuổi người Do Thái đi. Phải chọn đứng ở bên nào thôi! Và tuyệt diệt họ! Tất cả! Bởi cái làm người Do Thái trở nên nguy hiểm đó là việc người ta không bao giờ chắc chắn được mình có phải là người Do Thái hay không! (Nối tiếp). Ông có muốn nói đến số tiền gửi nước ngoài của tôi không?

TÊN QUỐC XÃ. (Hiểu ra trò trao đổi) Đó là điều không cần thiết.

FREUD. Vậy chúng ta hãy cùng gặp cấp trên của ông, tôi sẽ rất vui được nói với họ…về số tiền này…về việc ông đã không nói gì với họ về tờ di chúc của tôi…về những giả thiết nhỏ nghiệp dư của tôi về những nét giống nhau về ngoại hình…chúng ta sẽ nói chuyện…

TÊN QUỐC XÃ. Không cần thiết. Tôi…tôi chưa bao giờ biết về di chúc của ông…

FREUD. Thế còn con gái tôi? Nó sẽ sớm về nhà chứ?

TÊN QUỐC XÃ. (Hiểu ra trò trao đổi). Sẽ sớm về.

FREUD.  (cười châm biếm một cách không lộ liễu) Rất sớm phải không?

TÊN QUỐC XÃ. Có thể. Và ông sẽ sớm đi chứ?

FREUD. (vẫn giữ nguyên nụ cười ) Rất sớm.

TÊN QUỐC XÃ. Chào ông.

FREUD. Chào ông. (Lúc tên Quốc Xã quay lưng lại bước đi) À, ông thanh tra Gestapo này, tôi thấy cái chất Do Thái ở tôi mà ông không có…: trong vài ngày nữa, chúng tôi sẽ trên đường di tản, vợ tôi, các con tôi và tôi, với những chiếc va li của mình và những chiếc ba lô; chúng tôi đã bị đuổi đi, là người Do Thái là phải chịu như thế.

TÊN QUỐC XÃ. (dửng dưng) Chào ông.

Tên Quốc Xã ra khỏi nhà và Freud không kìm được việc xoa tay vào nhau vì sung sướng: đó là một chiến thắng. Ông đi về phía ri đô nơi Người khách lạ trốn để đón mừng chiến thắng với anh ta.

Nhưng tên Quốc Xã lại xuất hiện ở cửa, dù bối rối vẫn nhớ lý do tại sao mình đến nhà Freud.

TÊN QUỐC XÃ. À mà ông không gặp ai tối nay hả?

FREUD. (ngạc nhiên nhưng vẫn chối theo phản xạ) Không gặp ai cả.

TÊN QUỐC XÃ. (hài lòng) Rất tốt.

FREUD. Đó là ai?

TÊN QUỐC XÃ. (đi ra ngoài) Không ích gì vì ông có nhìn thấy ai đâu.

FREUD. (nhao về phía tên Quốc Xã hơi quá trớn) Nhưng có chuyện gì xảy ra? Người ông nói đến là ai?

TÊN QUỐC XÃ.  Không gì cả, bác sỹ. Đó chỉ đơn giản là một kẻ trốn trại. Hắn chạy vào một trong các tòa nhà ở phố Berggasse. Chúng tôi tìm hắn cả tiếng trời.

FREUD.  (nói nhanh, giọng sợ hãi) Hắn ta không ở đây.

TÊN QUỐC XÃ. Tôi tin ông. Chào ông.

Hắn lại đi ra ngoài.

FREUD. Nhưng người nào cơ? Anh ta trốn thoát từ đâu? Từ nhà tù à?

TÊN QUỐC XÃ. Từ nhà thương điên. Đó là một gã điên. Vài người cho là đã nhìn thấy hắn ta đi về phía tòa nhà chỗ ông ở. Vì thế chúng tôi khám soát tất cả các tầng.

FREUD. Anh ta điên dạng gì? Một người cuồng loạn? Một người hay hoảng sợ? hay một người bị ám ảnh?

TÊN QUỐC XÃ. (với vẻ quả quyết chuyên nghiệp) Một gã điên. (dừng một lúc). Nhưng hắn không nguy hiểm; tôi cho rằng hắn thuộc dạng bịa chuyện, ông biết đấy, kiểu tự coi mình là Goethe hay Napoléon…

FREUD. (lo lắng) Một người hoang tưởng bịa chuyện!

TÊN QUỐC XÃ. Chào ông, bác sỹ, và hãy đóng kín cửa nẻo vào, phòng khi…

Hắn bước ra ngoài.

 

Cảnh 8

 

Freud, ủ rũ, quá thất vọng vì đánh mất niềm tin mới của mình, ngồi im lìm.

Người khách lạ  nhẹ nhàng bước ra khỏi tấm ri đô và đóng cửa sổ lại.

Sau đó anh ta quay lại cúi mình hỏi Freud.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Walter Oberseit.

FREUD. (giọng vô cảm) Ông nói gì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Walter Oberseit. Đó là tên người mà bọn họ tìm.

FREUD. Tức là tên của ông .

Người khách lạ  không phủ nhận. Một lúc sau.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Walter Oberseit. Một con người tội nghiệp lớn lên trong cảnh bị nhốt trong hầm suốt mười hai năm đầu đời. Khi người ta thả anh ta ra, anh ta chưa một lần nhìn thất mặt trời trong đời, cũng chưa bao giờ nghe thấy tiếng ai nói, anh ta chỉ biết có bóng tối. Anh ta ủ rũ hàng tháng trời: người ta nói anh ta là kẻ ngu đần. Sau đó, khi người ta dạy cho anh ta nói, anh ta bắt đầu dựng nên hàng loạt câu chuyện, những chuyện kể mà anh ta tự cho mình trong đó, như thể để lấy lại quãng đời đã mất: khi đó người ta cho là anh ta là kẻ hoang tưởng bịa chuyện. (Freud đau khổ đến nỗi ông không buồn nghe nữa). Không ai mơ ước gì về cuộc đời tươi đẹp cho anh ta. Không ai đến bên nôi, nghiêng mình nhìn xuống và cầu nguyện cho anh ta thành công, trở thành người xuất sắc hay có những tình yêu tuyệt vời nhất. Người điên bao giờ cũng là những đứa trẻ mà không ai buồn mơ đến. (Một lúc). Tôi cảm thấy rất gần với anh ta.

FREUD.  (Giọng ôn hòa). Thật đáng ngạc nhiên, ông đã lừa tôi, thế mà tôi thậm chí không giận ông. (Freud đến gần cửa sổ và mở ra). Ngược lại, thậm chí, tôi còn cảm thấy như vừa từ bỏ được một nỗi đau, như thể người ta vừa nhổ cho tôi một cái gai…

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Đó chính là sự hoài nghi.

FREUD. (Đứng trước cửa sổ mở toang). Tối nay, thế giới đang quằn quại vì đau khổ. (Từ xa vọng lại tiếng hát của bọn Quốc Xã). Tiếng hát của hận thù đang vang lên; người ta cướp mất con gái tôi; và một người bất hạnh vào nhà tôi và lần đầu tiên tôi không muốn chữa bệnh…(Ông quay lại phía Người lạ mặt). Bởi tôi sẽ không chữa cho ông. Không chữa tối nay, kể cả ngày mai. Tôi không còn tin vào phân tâm học. Không còn tin vào thế giới này nữa….(nói với chính mình) Liệu có cần cứu một con chim hoàng yến hay không khi cả thành phố bị đốt cháy? Làm thế nào mà tôi còn có thể tin vào việc chữa bệnh? Chữa lành lí trí cho một người trong khi cả thế giới đang bị điên, chẳng phải là chuyện nực cười sao?...(một lúc). Có thật là không ai yêu ông từ trước đến nay?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (Đột nhiên xúc động) Thực sự yêu thương tôi ư? Tôi không biết.

FREUD. (không quay lại). Không tình yêu, thì chỉ còn sự cô đơn. (Người lạ mặt, quá đỗi xúc động nên thậm chí không thể đáp lời). Nếu tôi không yêu Anna, Martha, các con của tôi, liệu tôi có thể còn tiếp tục sống được nữa hay không?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nhưng trong những gì ông gọi là tình yêu của ông, có cả tình yêu của họ nữa, cái ông nhận lại từ phía họ…

FREUD. Đúng vậy.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. …nhưng nếu ông là người duy nhất yêu thương thì ông hoàn toàn đơn độc…

FREUD. (quay lại và vụng về cầm tay Người lạ mặt). Tôi không giận vì ông đã nói dối tôi. Nhưng tối nay, tôi chỉ có thể đợi con gái Anna bé nhỏ của tôi, không gì khác nữa. Hãy đến gặp tôi ngày mai. Chúng ta…chúng ta sẽ nói chuyện . Tôi…có thể, tôi không thể …yêu thương ông…nhưng tôi sẽ chữa trị cho ông, đó là một cách yêu thương khác…(quyết định). Tôi sẽ lo cho ông.

Người khách lạ để nguyên tay mình trong tay Freud. Mặc dù vốn là người không thích tiếp xúc thân thể, Freud không cảm thấy có sức để từ chối việc đó.

FREUD. Ông thấy đấy, ở đây, chỉ có chúng ta, hai người đàn ông, và sự đau khổ…chính vì thế mà Thượng Đế không tồn tại…Bầu trời là một mái nhà trống bên trên sự đau khổ của con người…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ông nghĩ thế à? Thật thế chứ?

FREUD. Lý trí xua đuổi những bóng ma… Từ nay trở đi không còn các vị thánh nữa, chỉ còn các thầy thuốc mà thôi. Chính con người sẽ lo cho con người. (Một lúc). Tôi sẽ chữa trị cho ông.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (Giọng tâm tình). Hãy nói đi, lúc nãy ông đã thực sự tin tôi là…(Chỉ lên bầu trời)…Ông ta?

FREUD. (Xấu hổ) Tôi đã quẫn trí.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (đùa cợt). Nhưng hết rồi phải không? (Freud làm hiệu khẳng định). Trong thâm tâm, ông tin vào Walter Oberseit dễ hơn là vào Thượng Đế phải không?

FREUD. Ông biết đấy, Oberseit ạ, tôi là một người già. Tôi đã dành cả đời mình để bảo vệ cho việc tri thức chống lại sự ngu dốt, để chữa trị, để đấu tranh bảo vệ con người khỏi con người, không ngừng nghỉ, không thở ra hơi, và tôi được cái gì? Có những hôm, họng tôi bốc mùi đến nỗi ngay cả Toby, con chó của tôi, không đến gần tôi nữa và từ cuối phòng, nó nhìn tôi tội nghiệp…Tôi từng mong có một cái chết nhanh chóng, ngắn gọn nhưng tôi cam chịu sự hấp hối dài lê thê. Đã cả nghìn lần, tôi suýt niệm danh Thượng Đế, tôi đã mong uống giọt mật an ủi của ông ấy, cả nghìn lần, tôi mong rằng đức tin vào một Thượng Đế sẽ cho tôi lòng dũng cảm để chịu đựng và bước vào cái chết. Thế nhưng tôi đã luôn luôn chống cự lại. Làm thế thì đơn giản quá. Lúc nãy, tôi đã suýt ngả theo, bởi chính nỗi sợ hãi đã suy nghĩ thay cho tôi.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Đáng lẽ ông đã phải ngả theo.

FREUD. Tôi dùng ma túy đã đủ rồi, tôi không muốn cả cái đó nữa.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tại sao không dùng chính cái ấy?

FREUD. Bởi tinh thần là cái bị nó làm cho tê liệt.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nhưng tinh thần của ông cần…

FREUD. Chính là con thú trong tôi muốn tin, không phải tinh thần của tôi: chính cơ thể là cái không còn muốn nhúng mình vào sự hoảng sợ nữa; đó là ham muốn của một con thú bị săn đuổi, đó là cái nhìn của con hoẵng bị đàn chó săn dồn vào vách đá và đang còn muốn tìm một lối thoát…Thượng Đế, đó chính là một tiếng kêu, là một sự nổi loạn của cơ thể !

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Vậy ra, ông không muốn tin bởi vì có đức tin ông sẽ dễ sống hơn?!

FREUD. (dữ dội). Tôi không tin vào Thượng Đế vì tất cả trong tôi đều sẵn sàng để tin! Tôi không tin vào Thượng Đế vì tôi muốn tin vào điều đó! Tôi không tin vào Thượng Đế vì tôi sẽ cảm thấy quá hạnh phúc khi tin vào điều ấy!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (giọng vẫn hơi giỡn cợt). Thế là thế nào bác sỹ Freud, nếu cái ham muốn ấy tồn tại thì tại sao lại phải chà đạp nó? Tại sao ông kiểm duyệt ông? Nếu tôi dựa vào các nghiên cứu của ông thì…

FREUD. Đó là một sự ham muốn nguy hiểm!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nguy hiểm tại sao? Cho ai?

FREUD. Cho sự thật …Tôi không thể để mình bị một ảo giác lừa phỉnh.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Sự thật là một cô giáo rất nghiêm khắc.

FREUD. Và đòi hỏi cao nữa…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Và không biết thỏa mãn!

FREUD. Sự hài lòng không phải là dấu hiệu của sự thật. (giải thích, mắt xa xăm trong câu chuyện của mình). Con người ở trong một đường hầm ông Oberseit ạ. Để chiếu sáng, chỉ có ngọn đuốc được làm từ ngùi vải và một chút dầu. Anh ta biết là ngọn lửa sẽ không cháy mãi. Người có đức tin tiến bước khi nghĩ là sẽ có một cánh cửa ở cuối đường hầm, cửa sẽ mở ra và ánh sáng tràn vào…Kẻ vô thần biết là không có cửa, rằng không có ánh sáng nào khác ngoài cái ánh sáng mà anh ta đã thắp lên bằng tài năng của mình, rằng với anh ta, có những cái cuối khác trong đường hầm ngoài chính cái cuối của đường hầm…Vậy nên, chắc chắn cái đó sẽ làm anh ta đau hơn khi va đầu vào tường…cái đó làm anh ta hụt hẫng hơn khi anh ta mất đi một đứa con… cái đó làm anh ta cư xử đúng đắn khó khăn hơn…nhưng anh ta vẫn làm điều ấy! Anh ta thấy màn đêm thật ghê rợn, không khoan nhượng…nhưng anh ta vẫn tiến bước. Và sự đau đớn trở nên đau hơn, sự sợ hãi trở nên đáng sợ hơn, chết là vĩnh viễn và cả cuộc sống từ nay cũng chỉ là một căn bệnh chết người…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Cái anh vô thần của ông chỉ là một người đã tuyệt vọng.

FREUD. Tôi biết tuyệt vọng có một cái tên khác: sự dũng cảm. Kẻ vô thần không còn ảo vọng, anh ta đổi tất cả ảo vọng lấy sự dũng cảm.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Rồi anh ta được gì?

FREUD. Phẩm hạnh.

Một lúc.

Người khách lạ  tiến lại gần Freud. Trông anh ta có vẻ hiền hòa, chân thành.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Anh quá yêu sự dũng cảm của mình.

FREUD. Đừng anh em với tôi.

Một lúc.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ông giận ta à?

FREUD. Tôi quá đau đớn với tất cả những gì nhạy cảm trong tôi để cảm nhận được sự căm giận.

Người khách lạ lại nắm lấy tay Freud.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Cảm ơn. (Một lúc). Ông giận ta vì tận bây giờ ta mới tới. Nhưng nếu ta xuất hiện trước mắt ông sớm hơn, điều đó cũng chẳng thay đổi được điều gì. Ông có lẽ sẽ vẫn sống một cuộc đời như vậy, Freud, đầy phẩm giá, tươi đẹp, hào phóng…

FREUD. (chán chường) Walter Oberseit, hãy thôi coi mình là Thượng Đế đi. Ông biết rất rõ đó không phải là sự thật.

Ông rút tay lại.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (lùi bước với một nụ cười). Như vậy, ông không tin vào Thượng Đế nhưng tin vào Walter Oberseit. (cúi mình). Anh ta sẽ rất vui. (giọng bông lơn). Nhưng ai chứng minh với ông rằng Walter Oberseit tồn tại?

FREUD. (không cười). Tôi mệt rồi.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Không, ông không mệt, ông liên tục nghĩ về Anna. Điều đó thật đáng yêu, có điều nó hơi làm phật ý…

FREUD.(nổi giận). Dù sao, tối nay, tốt hơn hết là ông hãy là người ông là…hãy là một kẻ mạo danh…bởi nếu ông là Thượng Đế thì…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (tỏ ra rất quan tâm) Thì sao?

FREUD. (Đứng dậy). Nếu ông là Thượng Đế thì…ông đã chọn một buổi tối khốn nạn …vâng, nếu Thượng Đế  tồn tại…và đang ở đây, trước mặt tôi!...

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Nếu Thượng Đế tồn tại thì sao?

FREUD. Tôi không giận ông, ôi không…Nhưng với Thượng Đế, nếu ông ta ra khỏi cái hư vô nơi tôi đã đặt ông ấy ở đó, tôi…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nếu Thượng Đế đứng trước mặt ông?

FREUD. Nếu Thượng Đế đứng trước mặt tôi, tôi sẽ hỏi tội ông ấy. Tôi sẽ hỏi ông ấy…

Cơn giận bùng lên, Freud bật dậy

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (khích lệ) Ông sẽ hỏi ông ta?

FREUD. Tôi sẽ nói với ông ấy…(nổi xung lên). Rằng Thượng Đế hãy thò đầu ra ngoài cửa sổ xem! Thượng Đế có biết sự đau khổ đang tràn lan trên đường phố trong những đôi bốt da đế sắt, ở Berlin, ở Viên, và sắp tới trên toàn châu Âu không? Thượng Đế có biết rằng lòng thù hận nay đã có Đảng của mình nơi thù hận đủ loại đều có mặt: căm thù người Do Thái, căm thù người Di gan, căm thù người đồng tính, căm thù người đối lập hay không?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (lẩm nhẩm một mình) Ông ấy có thể không biết điều đấy sao?

FREUD. Nhưng thậm chí không cần thiết để sự đau khổ lan tràn, để nó cầm vũ khí và tắm máu, lúc nào tôi chả nhìn thấy nó ở mọi nơi, sự đau khổ. Từ cái ngày mà chân còn đang dạng ra trên những ô gạch trong nhà bếp, tôi cất tiếng gọi trong một thế giới mà không ai trả lời. (tiến lại gần Người lạ mặt). Nếu Thượng Đế ở trước mặt tôi, tôi sẽ kết tội ông ấy: tội hứa hão!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Hứa hão ư?

FREUD. Cái ác, đó là lời hứa không được thực hiện. (Ông suy nghĩ thành lời). Cái chết là gì nếu không phải lời hứa về sự sống đang chảy, đây này, trong máu tôi, trong huyết quản tôi, và lời hứa đó đã không được thực hiện? Bởi khi tôi quờ quạng lên người mình, hay khi tôi gieo mình vào trạng thái say sưa về tâm thức, tức là cái hạnh phúc thuần khiết được tồn tại, tôi không thấy mình là kẻ phải chết: cái chết không ở đâu cả, không ở trong bụng tôi, không ở trong đầu tôi. Cái chết, tôi không cảm nhận nó, tôi chỉ biết nó, biết bằng một thứ kiến thức được học và qua những lời đồn đại. Liệu tôi có thể biết rằng mình sẽ chết nếu người ta không nói với tôi trước về điều đó hay không? Cái chết, nó đập vào người ta từ sau lưng. Tự tôi thì tôi sẽ đi theo một con đường khác hẳn, tôi sẽ cho mình là bất tử. Cái ác trong cái chết không phải là sự hư vô, mà đó là lời hứa về sự sống không được thực hiện. Thượng Đế là người có lỗi!

            Và sự đau khổ là gì nếu không phải là sự toàn vẹn của cơ thể bị đánh đổ? Một thân hình được sinh ra để chạy nhảy và sung sướng, một thân hình toàn vẹn vậy mà giờ đây nó lại trở nên mong manh, bị cắt bỏ, tơi tả. Người ta đã lừa dối nó. Không, sự đau đớn không ở trong da thịt bởi tất cả các vết thương đều là vết thương trong tâm hồn; đó là lời hứa không được thực hiện, Thượng Đế là người có lỗi!

            Và sự đau khổ trong tinh thần, sự đau khổ mà con người gây ra cho nhau, đó là gì nếu không phải là hòa bình bị đứt gẫy? Bởi lời hứa có trong cái ấm áp của một cái đầu vùi trong bộ ngực của người mẹ, bởi sự êm ái của một giọng nói nhẹ nhàng cất lên từ nơi sâu nhất của cổ họng ngay từ khi chúng ta còn chưa hiểu một từ nào, bởi sự hòa hợp với cả vũ trụ mà chúng ta đã biết đến, khi vũ trụ rút gọn lại thành hai bàn tay yêu thương đưa cho chúng ta bình sữa, giấc ngủ, vuốt ve, tất cả những cái đó biến đi đâu? Tại sao lại có cuộc chiến này? Lời hứa không được thực hiện! Một lần nữa, Thượng Đế lại là người có lỗi .

            Nhưng sự đau khổ nghiêm trọng nhất, vâng, đỉnh điểm của sự đau khổ, cái mà cả một kiếp người không thể an ủi được đó là cái trí tuệ - thiển cận - hạn chế - mà chính sự thông thái đã làm cho ngu xuẩn đi. Dường như Thượng Đế đã cho chúng ta một trí tuệ chỉ để chúng ta chạm tới đường biên của nó; khát mà không được uống. Người ta ngỡ rằng sẽ hiểu được tất cả, sẽ biết được tất cả, người ta nghĩ mình có thể làm được những sự kết hợp kì lạ nhất, những giả thuyết tinh tế nhất, và thế rồi trí tuệ lại bỏ rơi chúng ta trên đường. Chúng ta không biết hết được. Và chúng ta cũng chẳng hiểu gì nhiều. Liệu tôi có sống được ba trăm nghìn năm nữa để thấy những ngôi sao, vẫn nhiều như thế, thấy chúng vẫn là số không đếm hết được, và tôi vẫn sẽ không hiểu được cái mà tôi làm trên trái đất này, chân ngập trong bùn! Sự giới hạn của trí tuệ chúng ta, đó là lời hứa cuối cùng mà ông ta không thực hiện.

Cuộc sống sẽ đẹp biết bao nếu như đó không phải là điều phản trắc…

Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng nếu tôi không nghĩ là nó dài lâu, và công bằng, và hạnh phúc…

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Anh trông đợi quá nhiều ở nó đấy.

FREUD. Thế lẽ ra phải tạo ra tôi ngu hơn để tôi không hy vọng gì cả…Vậy đó ông Oberseit, nếu Thượng Đế tồn tại thì đó sẽ là một vị Thượng Đế nói dối. Ông ta hứa hẹn rồi để đấy! Ông ấy tạo ra cái ác. Bởi cái ác là hứa mà không thực hiện.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Hãy để ta giải thích.

FREUD. Giải thích là một điều vô nghĩa: tôi không muốn có lời giải thích nào cả. Nếu Thượng Đế  hài lòng về những gì ông ta làm, về thế giới này, đó sẽ là một vị Thượng Đế nực cười, một vị Thượng Đế  độc ác, một tên tội phạm, kẻ gây ra đau khổ cho con người! Ông ấy nên không tồn tại thì hơn. Xét cho cùng, nếu có một Thượng Đế thì đó chỉ có thể là Quỷ dữ…

Người khách lạ vươn thẳng người

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Freud!

FREUD. Walter Oberseit, ông là kẻ mạo danh người khác, ông làm việc ấy rất xuất sắc nhưng ông phải thừa nhận có một bậc thầy trong việc giả làm người khác: đó chính là Thượng Đế.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ông mê sảng rồi.

FREUD. Vậy nếu Thượng Đế đang đứng trước mặt tôi, tối nay, một tối mà thế giới đang rơi nước mắt và con gái tôi đang nằm trong nanh vuốt của bọn Gestapo, tôi muốn nói với ông ấy là: ‘‘ Ông không tồn tại! Nếu ông là người toàn năng thì như vậy ông là một kẻ xoàng; nếu ông không xoàng thì ông không có quyền năng; Xảo trá hay hạn chế, ông không xứng với vai trò một vị Thượng Đế. Ông không cần tồn tại. Các nguyên tử, những sự ngẫu nhiên, những cú sốc, chừng ấy đã đủ để giải thích cho một thế giới bất công đến thế. Chắc chắn, ông chỉ là một giả thuyết vô ích’’!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (ôn tồn) Chắc chắn Thượng Đế sẽ nói với anh thế này: ‘‘ nếu anh có thể thấy trước, như tôi, những tháng năm dài dặc sẽ đến, anh sẽ còn tức tối nữa nhưng anh sẽ chĩa lời kết án của mình về phía thủ phạm thực sự’’. (Nhíu mắt). Nếu anh nhìn xa hơn nữa…(giọng như một nhà tiên tri đang mơ màng). Thế kỷ này sẽ là một trong những thế kỷ kì lạ nhất mà trái đất từng biết đến. Tuy người ta sẽ gọi nó là thế kỷ của con người, nhưng nó sẽ là thế kỷ của tất cả các loại dịch hạch. Sẽ có dịch hạch đỏ ở Phương Đông, rồi ở đây, Phương Tây, sẽ có dịch hạch nâu, căn bệnh bắt đầu lan tràn trên những bức tường ở Viên và hiện ông mới chỉ nhìn thấy vài cái hạch ban đầu nổi lên; chẳng mấy lúc, nó sẽ lan ra cả thế giới và gần như không còn gặp bất cứ sự kháng cự nào. Người ta đuổi ông đi phải không bác sỹ Freud? Hãy biết là mình còn sướng chán! Những người khác, bạn bè ông, môn đồ của ông, chị em ông và tất cả những người vô tội, người ta sẽ giết họ…Hàng chục hàng chục người, hàng nghìn người hàng nghìn người, trong những phòng tắm giả, xả ra hơi ngạt thay vì xả ra nước; và những chính những người anh em của họ, sẽ dọn những cái xác và vứt xuống hào. Và ông có biết, bọn quốc xã còn dùng mỡ họ làm xà phòng không?...Thật ngạc nhiên phải không, khi người ta có thể rửa đít bằng cái mà người ta căm thù?

Và chắc chắn sẽ có những bệnh dịch hạch khác, nhưng nơi khởi tạo của những bệnh dịch chỉ là cùng một con virus, cái ngăn cản các anh tin vào ta, đó chính là sự kiêu ngạo! Chưa bao giờ sự kiêu ngạo của loài người lại đi xa đến vậy. Đã có thời sự kiêu ngạo của con người chỉ dừng lại ở việc thách thức Thượng Đế, ngày nay, nó thay thế Thượng Đế. Có một phần thần thánh trong con người; đó chính là cái cho phép con người từ nay phủ nhận Thượng Đế. Các người không hài lòng với cái ít hơn. Các người đã gạt hẳn Thượng Đế  sang một bên: thế giới chỉ là sản phẩm của ngẫu nhiên, một sự bướng bỉnh nhiễu loạn của các nguyên tử! Và khi không có ai làm chủ, chính các người sẽ hợp pháp hóa mọi chuyện. Được là chủ nhân…! Chưa bao giờ sự điên rồ lại chiếm lĩnh đầu óc các ngươi như trong thế kỷ này. Là chủ nhân của thiên nhiên: các ngươi sẽ làm vấy bẩn trái đất và làm đen những đám mây! Chủ nhân của vật chất: các người sẽ làm thế giới rung chuyển! Chủ nhân của chính trị: các người sẽ tạo ra chế độ toàn trị! Chủ nhân của sự sống: các người sẽ chọn con cái mình qua ca ta lô! Chủ nhân của thân thể mình: các người sợ bệnh tật và cái chết đến mức chấp nhận sống sót bằng bất cứ giá nào, không phải sống mà là sống sót, bị gây mê, như những cái cây trong nhà kính! Chủ nhân của đạo đức: các người nghĩ là con người đã tạo ra luật lệ và xét cho cùng tất cả đều có giá trị nên chẳng có cái gì có giá trị cả! Vậy thì Thượng Đế sẽ là đồng tiền, cái duy nhất sót lại, người ta xây dựng cho nó đền thờ ở khắp nơi trong các thành phố, và tất cả mọi người sẽ suy nghĩ rỗng tuếch, kể từ nay trở đi, khi không vắng mặt Thượng Đế .

Ban đầu, các người chúc tụng nhau vì đã giết Thượng Đế. Bởi nếu không nợ Thượng Đế bất cứ điều gì, thì mọi thứ sẽ là của con người. Ban đầu, sự kiêu căng không biết đến sợ hãi. Các người vơ tất cả trí tuệ về mình. Chưa bao giờ lịch sử lại thấy có chừng ấy nhà triết học u tối hơn nhưng lại hạnh phúc hơn.

Nhưng Freud à, cái đó anh chưa nhìn thấy đâu, cả thế giới sẽ không còn ánh sáng. Khi một người trẻ tuổi, một tối nào đó bỗng dưng nghi ngờ giống như nhiều người vẫn thế ở tuổi ấy, hỏi một người trưởng thành quanh anh ta: ‘‘Xin hãy nói cho tôi, ý nghĩa của cuộc sống là gì?’’ không ai có thể trả lời anh ấy.

Đó sẽ là thành quả của các người.

Của anh và của những người khác.

Đó là những cái mà các danh nhân của thế kỷ này sẽ làm đấy: những người giải thích con người bằng con người, sự sống bằng sự sống. Vậy ở con người sẽ còn lại cái gì? Một thằng điên trong nhà thương điên, chơi ván cờ giữa cái vô thức và ý thức của nó! Sau anh, chắc chắn nhân loại sẽ một mình ngồi trong xà lim. Ôi, Freud, trong anh vẫn còn cái say sưa của kẻ chinh phục, của những người khai hoang, của những người sáng lập… nhưng hãy nghĩ đến người khác, những người sắp được sinh ra đây: anh sẽ để lại cho chúng một thế giới như thế nào? Chủ nghĩa vô thần được chứng ngộ! Một sự mê tín còn ngu ngốc hơn tất cả những cái đã có trước đấy!

FREUD. (sợ hãi) Tôi không muốn điều đó.

Freud chợt nhận ra rằng mình vừa nói chuyện với Người khách lạ như thể anh ta là Thượng Đế. Ông lấy hai tay ôm đầu, rên rỉ và tìm cách trấn tĩnh lại.

FREUD. Walter Oberseit, ông là một con người thông minh xuất chúng và chắc chắc là người rất bất hạnh. Tuy nhiên, tôi không phải là một chuyên gia trong nghề bói toán, tôi không khoái món ấy lắm…và tôi nghĩ rằng tốt hơn hết cho hai chúng ta là ông về nhà ông.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ở trại điên?

FREUD. Chúng ta sẽ gặp lại vào ngày mai, tôi hứa với ông.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Hãy giao tôi cho tên Quốc Xã bạn ông: hắn sẽ vui vì bắt được tôi và sẽ nể trọng ông hơn!

FREUD. Không, ông sẽ một mình về phòng ông…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (sửa lại)… phòng trong nhà thương điên! (một lúc sau). Đúng là khi được coi là một người điên thì đó gần như trở thành một sự bảo hộ.

Một lúc sau. Freud cực kì căng thẳng, châm một điếu xì gà bất chấp việc cổ họng đau rát. Người khách lạ trìu mến nhìn ông và bước đến ngồi trước mặt ông.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nhưng tại sao ông không ngả theo nhỉ?

FREUD. (đột ngột) Ngả theo ư, không bao giờ. Vả lại, theo cái gì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Thì ông hãy để mình có một đức tin đi.

FREUD. (gần như ám ảnh) Tôi sẽ đi đến đâu nếu tôi ngả theo? Tôi sẽ là một tay bác sỹ Do Thái quèn về hưu; suốt đời tôi, tôi sẽ chỉ chăm sóc những người bị cúm và trật gân! (ông đứng dậy). Tôi không cần lòng tin. Tôi cần những sự chắc chắn. Những kết quả dương tính. Và chắc chắn sẽ không đủ nếu một người điên, dù có xuất sắc đến đâu đi nữa, nói năng như…(đột nhiên nảy ra một ý định). Ông có phải là Walter Oberseit, có hay không?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Theo ông thì sao?

FREUD. Tôi đang đặt câu hỏi cho ông. Ông có phải là Walter Oberseit?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Tôi có xu hướng nói với ông là ‘‘không’’. Nhưng Walter Oberseit cũng sẽ trả lời ‘‘không’’ với ông.

FREUD. (trấn tĩnh lại) Rất tốt: ông tự cho rằng mình là Thượng Đế? Hãy chứng minh đi!

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ông nói gì?

FREUD. Nếu ông là Thượng Đế, hãy chứng minh đi! Tôi chỉ tin vào cái tôi nhìn thấy.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ông nhìn thấy ta rồi đấy.

FREUD. Tôi chỉ thấy một con người.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta cần phải hiện thân. Nếu ta hiện thân trong một con nhện hay một cái bình đặt trong phòng, mọi chuyện chỉ tổ rắc rối thêm.

FREUD. Hãy làm một phép lạ.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ông đùa đấy à?

FREUD. Hãy làm một phép lạ!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (cười phá lên). Freud, bác sỹ Freud, một trong những bộ óc lỗi lạc nhất của thế kỉ và của cả nhân loại, bác sỹ Freud yêu cầu tôi làm một phép lạ… Lẽ nào mà ông muốn tôi biến mình, ông bạn thân mến, thành chó rừng, thành mặt trời, bò cái, thành thần Dớt ngự trên ngôi mây, thành Ki-tô máu chảy lai láng trên cây thập giá hay thành đức mẹ Đồng trinh Maria ở đáy hang? Tôi cứ ngỡ phải dành phép lạ chỉ cho những kẻ ngu xuẩn thôi…

FREUD. (tức điên) Những kẻ ngu xuẩn được chứng kiến những phép lạ khắp nơi, trong khi người ta lại không lạm dụng một nhà bác học nào cơ đấy. Thực sự đáng tiếc là Thượng Đế chưa bao giờ làm ra một phép lạ nào ở Sorbonne hay trong phòng thí nghiệm.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (châm biếm). Phép lạ sẽ là việc ông tin vào ta.

FREUD. Hứ! (cộc lốc). Một phép lạ!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nực cười thật! (đột nhiên xuôi lòng). Thôi được rồi! (anh ta ra chiều suy nghĩ). Ông sẵn sàng chưa? Ông cầm lấy đầu cây gậy của tôi đi.

Anh ta chìa cây ba toong cho Freud. Theo phản xạ Freud đưa tay cầm lấy ngay lúc ấy, cây gậy biến thành một bó hoa to.

Freud kinh ngạc thậm chí sửng sốt.

Người khách lạ  phá lên cuời khi nhìn thấy vẻ mặt của Freud.

Freud hiểu ra trò đùa và yêu cầu nực cười của mình, ném bó hoa xuống đất.

FREUD. Hãy đi khỏi đây ngay lập tức! Ông không chỉ là một người hoang tưởng bịa chuyện mà còn là bị chứng loạn thần kinh khoái bạo tàn. Ông chỉ là một kẻ khoái bạo tàn!

Người khách lạ  tiếp tục cười, làm cho Freud càng tức giận.

FREUD. Một kẻ khoái bạo tàn lợi dụng một đêm loạn lạc! Một kẻ khoái bạo tàn sung sướng trên sự yếu mềm của tôi!

Người khách lạ  đột nhiên ngưng cười. Trông anh ta gần như nghiêm nghị.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nếu không có sự yếu mềm của ông thì ta có thể vào đây từ đâu?

FREUD. Đủ rồi! Tôi không muốn nghe gì nữa! Hãy kết thúc chuyện này đi! Hãy trèo qua cửa sổ và về nhà ông đi!

Có tiếng gõ cửa một cách lịch sự.

FREUD. (giọng tâm trạng) Vâng!

 

Cảnh 9

 

Tên Quốc Xã  bước vào, điệu bộ gần như thành kính. Ngay khi nhìn thấy hắn ta, Người khách lạ nhanh nhẹn trốn vào góc tối trong văn phòng. Freud nhìn thái độ này một cách mỉa mai.

   

TÊN QUỐC XÃ. (xun xoe). Thưa giáo sư, tôi chỉ xin phép qua gửi lại ông hồ sơ này…di chúc của ông…mà tôi chưa bao giờ có trong tay.

Hắn nhìn Freud vẻ dò hỏi để xem Freud có sẵn sàng chấp nhận cách nói ấy.

FREUD. Con gái tôi đâu?

TÊN QUỐC XÃ. Họ đang xét hỏi cô ấy, nhưng chắc không lâu, chỉ là vấn đề thủ tục thuần túy, tôi chắc vậy. Dù gì, tôi xin mạn phép cho là như vậy.

Để trả lời, Freud chìa tay cầm lại di chúc.

FREUD. Rất tốt. Tôi không giữ ông lại lâu hơn.

Tên Quốc Xã giơ tay vụng về ra hiệu chào và quay người bước đi.

TÊN QUỐC XÃ. À, có chuyện này, tôi cũng muốn báo cho ông biết về chuyện…gã điên trốn trại…người ta đã tìm thấy hắn rồi.

FREUD. Cái gì?

TÊN QUỐC XÃ. Ông biết đấy, gã dở hơi trong trại thương điên…hắn đã trốn sau mấy thùng rác trong sân nhà ông. Người ta đã mang hắn trả về cho các bác sỹ.

FREUD. Sao ông lại nói với tôi điều ấy?

TÊN QUỐC XÃ. Xin lỗi ông, tôi cứ ngỡ lúc nãy ông có quan tâm đến chuyện này.

Hắn lại sửa soạn bước đi.

FREUD. Ông có chắc về những gì mình nói không đấy?

TÊN QUỐC XÃ.  Về chuyện gì?

FREUD. Người điên ấy? Chính là anh ta chứ?

TÊN QUỐC XÃ. Chắc chắn.

FREUD.  Walter Oberseit?

TÊN QUỐC XÃ. Một cái tên đại loại như thế…ông biết hắn ta à? Dù sao thì nhân viên trại thương điên đã rất hài lòng vì có thể tóm hắn lại nhanh như thế. Hình như khi hắn bình thường, hắn có thể làm bất cứ ai tin vào bất cứ điều gì!...Cuối cùng thì chuyện cũng xong: dù sao chúng tôi cũng biết phải làm việc của mình như thế nào. Chào ông.

FREUD. (ỉu xìu) Chào ông.

Tên Quốc Xã bước ra ngoài.

 

Cảnh 10

Freud châm một điếu xì gà to tướng để chế ngự cảm xúc.

Người khách lạ xuất hiện và nhìn Freud thương cảm. Anh ta lại gần và chậm rãi lấy điếu xì gà khỏi tay Freud.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Cái chết đã đốt ông rồi không cần phải thêm than vào làm gì nữa…

Freud để mặc anh ta làm như thế, trông ông có vẻ đã trấn tĩnh lại.

Một lúc.

Freud nhìn anh ta một cách dữ dội.

FREUD. Tại sao ông lại đến?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (Hơi khó chịu). Ông nói thế bởi ông tin như thế hay lại chỉ để tống khứ tôi đi?

FREUD. Tại sao?

NGƯỜI LẠ MẶT(lảng tránh). Tôi cảm thấy ông không chân thành.

FREUD.(tràn đầy uy quyền êm ái của một bác sỹ lớn). Chính ông không chân thành. Tại sao ông lại đến? Ông không nên giấu tôi sự thật.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Cứ cho là như thế. Tôi sẽ …

Người khách lạ bất thình lình cảm thấy khó ở.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (giọng lo lắng) Freud! Cổ tôi sưng lên…

FREUD.(bình tĩnh). Tôi thấy rồi, người ông đang rất đỏ…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Đầu tôi đau như búa bổ, búa bổ…chuyện gì vậy?

FREUD. Đó là sự xấu hổ.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Khi người ta nói sự thật thì bao giờ cũng vậy hả? Tôi hiểu tại sao loài người lại nói dối nhiều đến vậy. (giọng bông lơn). Nhập thể quá đạt là ra thế đấy!

FREUD. (chăm chú nhìn anh ta). Lòng vòng thế đủ rồi. Ông đến để làm gì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (tửng tưng). Không phải để cải đạo ông.

FREUD. Và còn vì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Vì buồn chán.

FREUD. Ông đùa à…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Hãy đề phòng những lời giải thích phiến diện, chúng thường đúng. (Một lúc. Giọng hơi khiêu khích). Không, không phải vì buồn chán mà là vì tức giận. Tôi giận ông.

FREUD. Về chuyện gì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (Như một công tử trong truyện của Oscar Wilde). Các người phàn nàn vì mình là con người, vì mình ngu ngốc, thiển cận, ngu xuẩn! Vậy các người nghĩ làm Thượng Đế thì sung sướng lắm hả? (anh ta ngồi xuống, chân vắt chéo lịch lãm). Ta có tất cả, ta là tất cả, ta biết tất cả. Tròn trịa, hả hê, đầy như quả trứng, đầy ứ, kinh tởm ngay từ lúc bình minh của thế giới! Có cái gì ta muốn mà không có? Chẳng có gì, trừ một hồi kết! Bởi ta không có hồi kết…không có cái chết, cũng chẳng có thế giới bên kia…chẳng có gì…ta thậm chí không có cái gì để tin ngoài tin vào chính ta …anh có biết tình trạng của Thượng Đế là gì không? Là cái nhà tù duy nhất mà người ta không thể thoát khỏi.

FREUD. Thế còn chúng tôi?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Chúng tôi là ai?

FREUD. Con người ấy mà ? (ngập ngừng). Chúng tôi chẳng phải…là một trò tiêu khiển à?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Anh có đọc lại sách của anh không? (Freud lắc đầu. Người khách lạ tóm tắt thế giới) Không có gì ở trên, tất cả đều ở dưới ta. Ta đã làm tất cả. Đi đến đâu ta cũng chỉ gặp chính mình hay các tạo vật của ta. Trong định kiến của mình, con người ít khi nghĩ là Thượng Đế cũng gặp những điều khó chịu! Là tất cả là một sự nhàm chán….và cô độc…

FREUD. (ôn tồn) Sự cô độc của ông hoàng…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (mơ màng, đáp lại). Sự cô độc của ông hoàng…

Ngoài phố, có tiếng rượt đuổi. Một cặp vợ chồng bị bọn Quốc Xã đuổi theo. Tiếng kêu thảm thiết của những người chạy trốn. Tiếng bọn Quốc Xã sủa.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (Đột nhiên hỏi) Ông tin vào ta chứ?

FREUD.  Không hẳn.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (thở phào) Ông có lý.

Ngoài phố, người đàn bà và chồng đã bị bắt. Họ kêu lên sau mỗi cú đòn. Cảnh tượng không thể chịu nổi. Freud đứng bật dậy đi ra phía cứa sổ.

Người khách lạ  đứng chắn đường  không cho ông đi.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Không, xin ông đừng.

FREUD. Và ông để chúng làm như thế!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta đã tạo ra con người tự do.

FREUD. Tự do làm điều ác!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (Ngăn không cho Freud qua, dù tiếng kêu ngày càng to). Tự do cho cái thiện cũng như cho cái ác, nếu không tự do chẳng có nghĩa gì.

FREUD. Như vậy ông không hề chịu trách nhiệm nào?

Thay vì trả lời, Người khách lạ đột ngột không ngăn Freud nữa. Freud lao về phía cửa sổ.

Tiếng kêu dừng lại. Người ta chỉ còn nghe tiếng bốt nện xa dần.

Người khách lạ  thả mình xuống một chiếc ghế.

FREUD. Chúng đã bắt một cặp vợ chồng. Chúng đưa họ đi…(quay về phía Người lạ mặt) Đi đâu?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (không còn sức lực) Vào trại tập trung…

FREUD. Trại tập trung?

Freud hoảng sợ vì thông tin ấy. Ông tiến lại gần Người lạ mặt, anh này còn bơ phờ hơn cả Freud…

FREUD. Hãy ngăn chúng lại! Hãy ngăn chặn tất cả những thứ này lại! Làm thế nào mà ông muốn người ta còn tin vào ông sau khi tất cả những việc này xảy ra! Hãy dừng lại!

Ông lay cổ áo anh ta.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta không thể.

FREUD. (tức giận). Hãy đứng lên! Can thiệp đi! Hãy chấm dứt cơn ác mộng này, nhanh!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta không thể. Ta không thể làm thế nữa.

Người khách lạ đẩy tay Freud ra, lấy hết sức để ra đóng cửa sổ lại. Ít ra, tiếng bốt không còn nghe thấy nữa…

Anh ta dựa lưng vào cửa kính, kiệt sức.

FREUD. Ông là đấng toàn năng cơ mà!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Sai. Kể từ khi ta cho con người tự do, ta đã mất toàn năng và sự có mặt ở khắp nơi. Ta đã có thể kiểm soát tất cả và biết trước tất cả những gì đã xảy ra nếu ta đơn giản chỉ tạo ra những chiếc máy.

FREUD. Vậy tại sao lại sáng tạo ra thế giới này?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Vì cái lý do đã tạo ra tất cả những sự ngu ngốc, vì cái lý do khiến người ta làm mọi thứ, không có cái ấy thì sẽ không có cái gì cả .. vì tình yêu.

Người khách lạ nhìn Freud đang trông có vẻ không thoải mái.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Đừng nhìn ta như thế, Freud của ta, anh không muốn thế phải không, anh ấy mà, anh không thích một Thượng Đế biết yêu thương? Anh thích một Thượng Đế mắng mỏ, lông mày cuồng giận, nhăn trán, hai tay cầm lưỡi tầm sét? Tất cả các người, loài người, thích một người Cha khủng khiếp hơn là một người Cha yêu thương…

Anh ta tiến lại gần Freud đang ngồi và quỳ trước mặt Freud.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Và tại sao ta lại tạo ra các người nếu như không phải vì tình yêu? Nhưng các người không muốn thế, không muốn nhận sự trìu mến của Thượng Đế, các người không muốn có một vị Thượng Đế khóc… một vị Thượng Đế chịu đau khổ…(trìu mến). Ôi, đúng thế, anh muốn có một Thượng Đế để người ta quỳ trước mặt ông ta chứ không phải một Thượng Đế đang quỳ…

Anh ta quỳ trước Freud. Anh ta nắm lấy tay Freud. Vì quá thẹn thùng, Freud nhìn ra chỗ khác.

Người khách lạ đứng dậy và bước đến bên cửa sổ nơi âm nhạc đang tràn vào. Anh ta mở cửa ra. Người ta nghe thấy tiếng hát của bọn Quốc Xã vọng vào.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Hay đấy chứ?

FREUD. Thật đáng tiếc. Giá như sự ngu xuẩn lúc nào cũng xấu…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Cái đẹp…các ông yêu cái đó lắm, những người khác nữa, loài người ấy.

FREUD. (ngạc nhiên) Ồng thì không?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ồ ta thì!...(nhớ lại). À mà có, có một lần ta đã ngạc nhiên…Một lần, có một thứ…(Khi đó anh ta ngẩng cao đầu, dường như đang căng mũi hít không khí, và người ta nghe thấy một tiếng hát nổi lên ngày càng rõ. Freud căng tai lên). Ta biết tiếng thì thầm của mây, ta biết tiếng hót của những con ngỗng trời khi chúng bay thành đàn hình tam giác về châu Phi, ta biết những giấc mơ của bọn chuột chũi, tiếng gọi bạn tình của những con giun đất và tiếng bầu trời bị xé toang bởi những ngôi sao chổi, nhưng cái này thì…(tiếng nhạc ngày càng rõ)…cái này, ta chưa biết đến. (Âm nhạc nổi lên. Đó là tiếng ca của bà bá tước, ‘‘dove sono I bei momenti’’ trong vở nhạc kịch Đám cưới Figaro). Ban đầu ta đã tưởng rằng đó là một cơn gió của trái đất bị lạc vào dải ngân hà….ta đã tưởng... rằng ta có một bà mẹ đang giang tay đón ta ở tận cùng của vô tận…ta đã tin..

FREUD. Tin cái gì?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Mozart. Để cho các ông còn có thể tin vào con người…

Âm nhạc tiếp tục. Freud ngồi ở bàn làm việc, đầu áp vào tay, nhắm mắt nghe nhạc.

Người khách lạ  biến mất sau tấm ri đô mà ông không biết.

 

Cảnh 11

Anna bước nhanh vào phòng. Cô dừng lại khi nhìn thấy cha bên bàn làm việc. Freud còn chưa nhìn thấy cô, chưa nghe thấy tiếng cô về.

Cô đứng trước ông và xúc động gọi:

ANNA Bố!

Tiếng nhạc ngưng.

Freud bước ra khỏi bộ dạng mơ màng đờ đẫn và bật lên tiếng kêu xen lẫn đau thương và tột đỉnh vui sướng, ông thì thầm:

FREUD. Anna…

Hai cha con ghì lấy nhau.

Freud, mắt ướt lệ, vuốt ve con như một cô bé.

FREUD. Anna của ta, niềm vui của ta, nỗi lo của ta, sự kiêu hãnh của ta…

Anna tựa mình vào cha

FREUD. Chúng có làm con đau không?

ANNA.Chúng không chạm vào người con.

Freud siết mạnh con hơn nữa vào người mình.

ANNA. Chúng hỏi con về hội của chúng ta… chúng muốn biết Hội phân tâm học quốc tế có phải là tổ chức chính trị hay không…con đã làm cho chúng tin điều ngược lại…Bố ơi, chính bố đang làm con đau đấy…(Freud siết nhẹ bớt một chút)… con miêu tả chúng ta như một nhóm người nghiệp dư vô hại…con xấu hổ...(lấy lại hơi). Chúng ta không nên đợi một phút nào nữa. Con đã nghe thấy những điều khủng khiếp ở đó: hình như chúng mang người Do Thái vào các trại tập trung và một khi đã ở đó thì không ai còn tin tức gì nữa…

FREUD. (u ám) Bố biết.

Anna nhìn bố ngạc nhiên

ANNA. (dù sao vẫn tiếp tục). Nhưng có điều nghiêm trọng hơn nữa: người Do Thái câm lặng bố ạ. Họ để chúng giam ở đó, ở sở Gestapo, họ chờ hàng giờ liền không phản kháng, mặc người ta chửi rủa, phỉ nhổ vào họ, lưu đày họ và họ chẳng nói gì. (Cô đi lại, điên lên vì bực tức). Họ cư xử như những thủ phạm! Nhưng họ đã làm gì để phải chịu như vậy? Là người Do Thái à? Nhưng là người Do Thái thì tương đương với tội gì? Lỗi nào? Và cô bé Macha vừa mới sinh ra đời, cháu gái của bố, nó đã mắc tội gì nào? Tội đã được sinh ra? Tội đã có mặt trên đời?

Freud cầm tờ giấy thông hành.

FREUD. Chúng ta sẽ đi.

ANNA.Chúng ta sẽ đi và sẽ nói. Chúng ta sẽ nói cho cả thế giới biết.

FREUD. Chúng ta sẽ đi và chúng ta sẽ câm miệng lại. Bởi hai chị của bố còn đang ở lại Viên…và người ta sẽ bắt họ phải trả giá. Bởi còn có những người Do Thái khác ở lại sau chúng ta mà chúng sẽ trả thù nếu chúng ta nói năng bừa bãi…

ANNA. Vậy là bố cũng thế! Bố cũng thế, bố cũng sẽ không nói gì?

FREUD. Dù sao cái chết cũng đã ở trong họng bố rồi.

Anna lao mình vào vòng tay cha.

FREUD. Chúng ta sẽ đi, con gái bé bỏng của ta ạ.

Ông vặn bút và chuẩn bị kí. Nhưng một cơn ho nổi lên, ông ho sù sụ.

ANNA. Bố hút thuốc!

 FREUD. Bố đợi con.

ANNA. Không quan trọng, bố không được hút thuốc!

Freud ôm họng, chỗ ông đang rất đau.

FREUD. Cái nút đang siết lại, Anna ạ. (thu hết sức để nói).Chúng ta sẽ đi. Bố đã là người vô trách nhiệm, bố để con chịu quá nhiều nguy cơ khi giữ con ở lại đây, bố chỉ nghĩ đến cái thân già gắn bó với thành Viên của mình...điều chẳng mấy quan trọng…

Đột nhiên, ông nhận ra rằng Người khách lạ  không còn ở đó và dừng lại, tay vẫn cầm bút.

FREUD. Nhưng ông ta đâu nhỉ? Bố phải giới thiệu với con. Lúc nãy ông ấy vừa ở đây..

ANNA. Bố đang nói đến ai vậy?

FREUD. (Bước đến lật ri đô lên). Bố có người đến thăm khi con không ở đây, một cuộc viếng thăm kì lạ, một cuộc viếng thăm đã cho ta lại hy vọng…

ANNA. Ai vậy ạ?

FREUD. (Đắc thắng) Một người khách lạ! Một vị khách đáng được biết đến, bố không thể nói với con nhiều hơn.(Tìm tuyệt vọng khắp nơi). Thế nào ấy nhỉ, ông ta chưa ra khỏi nhà…không phải qua cửa chính, không phải qua cửa sổ! Chúng ta đang nói chuyện khi con về.

ANNA.  Lúc đó, bố có một mình thôi.

FREUD. Đó là vì ông ấy nấp ngay đi khi nhìn thấy con. Chúng ta đang tranh luận mà.

ANNA. (Trìu mến) Bố ơi, lúc con bước vào, bố đang ngồi bên bàn làm việc, trong tư thế của bố khi bố ngủ.

FREUD. (bực tức) Bố không hề ngủ. Không thể được.

ANNA. Vậy thì người khách của bố đâu?

Freud đập mạnh vào tấm ri đô.

FREUD. Bố không ngủ, bố không ngủ! Con có nghe thấy tiếng nhạc không?

ANNA. Con sẽ đi pha trà và bố sẽ kể giấc mơ của bố cho con nghe.

Cô bước ra ngoài.

 

Cảnh 12

Người khách lạ bước qua cửa, vài giây sau khi Anna đi.

Anh ta nhìn Freud đang tiếp tục tìm với một sự trìu mến không giấu vẻ chế diễu.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta sẽ giận mình nếu làm hỏng cuộc hội ngộ của hai người.

FREUD. (quay lại) Ông ở đâu?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (nửa vời) Giải quyết nhu cầu của cái xác phàm

Freud không hiểu. Người khách lạ  làm hiệu anh ta đã đi tiểu lúc nãy…

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Một hiện tượng kì thú: tôi có cảm tưởng như mình trở thành một cái vòi phun nước.

FREUD. Hãy ở lại đây. Anna cần phải gặp ông.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Không.

FREUD. Có chứ…

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Ông sẽ kể cho nó…

FREUD. Cô ấy cần ông, cô ấy cũng vậy, nhất là tối nay.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nếu cô ấy cũng cứng đầu cứng cổ như ông, ta sợ đêm nay sẽ quá dài.

FREUD.  Tôi van ông đấy.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (xuôi lòng) Thôi đành chấp nhận rủi ro và mối lo theo ông vậy…

 

Cảnh 13

Anna bước vào, mang theo một cái khay trên đó bày đủ thứ đồ pha trà.

Cô không nhìn thấy Người khách lạ  ngay lập tức.

Không nói một lời, Freud cố gắng làm cho Người khách lạ  rơi vào tầm nhìn của Anna nhưng đến phút chót cô lại quay đi chỗ khác.

Cuối cùng, tuyệt vọng, Freud lên tiếng.

FREUD. Con không nhìn thấy người khách của ta à?

Anna quay lại nhìn thấy anh ta và bình thản nói giọng gần như ủ dột:

ANNA À, thì ra là ông à? (với một vẻ lịch sự gượng ép). Ông hãy ngồi xuống. Ông cũng uống trà với chúng tôi chứ? Tôi sẽ đi lấy thêm tách.

Cô ra ngoài, để họ lại ngây người sửng sốt.

 

Cảnh 14

Freud choáng váng vì sự bình thản thường thấy của Anna quay về phía Người khách lạ  và hỏi:

FREUD. ‘‘À, thì ra là ông à?’’! Thế là thế nào? ‘‘À, thì ra là ông à?’’! Ông biết con bé à?

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Tôi khẳng định với ông là không. Tôi không biết gì cả.

Anna đã quay trở lại.

 

Cảnh 15

Cô mang nước nóng và thêm một chiếc tách.

FREUD. Con quen…ông này…

ANNA Vâng. Đương nhiên rồi. Con có biết mặt…

FREUD. Con coi ông ấy là ai vậy?

ANNA Bố nói sao ạ?

FREUD. Con coi ông đây là ai vậy?

ANNA Con coi ông ấy là người mà ông ấy là.

FREUD. (bực tức) Lại còn tiếp tục hả?

ANNA Bố ạ, con không muốn tỏ ra mất lịch sự với khách của bố.

FREUD. Anna! Con coi ông đây là ai vậy?

ANNA Con coi ông đây là người theo con mỗi buổi chiều từ mười lăm ngày nay mỗi khi con đến vườn trẻ. Ông ta không bao giờ bỏ lỡ cơ hội cười với con mà con không đáp lại bao giờ và nháy mắt với con mà con vờ như không thấy. Nói ngắn gọn, ông đây là một người thiếu giáo dục.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ồ, tôi có thể đảm bảo rằng tôi chưa bao giờ…

ANNA Đừng tiếp tục thưa ông. Tôi không đánh giá cao ông nhưng tôi còn đánh giá ông thấp hơn khi ông lợi dụng cha tôi để đến với tôi: ông làm cha tôi mệt và ông không hề làm suy nghĩ của tôi thay đổi chút nào, ngược lại là khác.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tôi đảm bảo với cô rằng không phải là tôi.

ANNA Vậy thì có người giống hệt ông! Một người giống ông từng ly từng tí thưa ông. Chỉ có phép màu mới tạo ra được người giống như thế. Con để bố lại đây nhé, con sẽ quay lại khi khách của bố đi.

Cô bước ra ngoài.

 

Cảnh 16

Freud vẫn cứng người.

Người khách lạ  không mấy bị ảnh hưởng bởi chuyện vừa xảy ra, tự rót cho mình một tách trà.

FREUD. Tôi yêu cầu phải giải thích! Ông đã có thể tiên liệu điều đó. Ông có thể đã tiên liệu vì ông biết tất cả.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  (ôn tồn) Gần như tất cả.

FREUD. Thật không thể chịu đựng được.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Nhìn kìa, Freud: lại sự nghi ngờ! Anh lại nghi ngờ rồi. (Than vãn). Anh không tiếp tục như thế nữa phải không, ta hy vọng là như vậy? (Chìa tách trà một cách kiểu cách và bắt chước điệu bộ của một bà chủ nhà). Ông sẽ lùi lại một chút để nhìn nhận? (Anh ta cười, một lúc). Không ai nhìn thấy ta cả, mỗi người phóng chiếu lên ta hình ảnh phù hợp với mình hay hình ảnh ám ảnh người ấy: ta đã từng là người da trắng, da đen, da vàng, rậm râu, nhẵn nhụi, với mười cánh tay…và thậm chí đã là đàn bà! Ta nghĩ là trong sâu thẳm của cô Anna bé bỏng của anh, Người khách lạ  ở vườn trẻ không đến nỗi khó chịu như thế.

FREUD. (cầm tách trà của mình như một cái máy). Cho là như vậy.

Họ uống.

Người khách lạ  không nhịn được cười.

FREUD.Tại sao ông cười?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta tự hỏi nếu với những gì uống ở đây, liệu ta lại sẽ có thể làm vòi nước hay không? (anh ta tiếp tục cười và nhìn Freud). Bác sỹ Freud thấy ta trẻ con. Chúng ta lúc nào cũng trẻ con mỗi khi sửng sốt trước cuộc sống.

Anh ta đột nhiên hết bông đùa và đặt tay lên vai Freud.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta đi đây. Ta không cha, không mẹ, không giới tính, không có cõi vô thức. Ông không thể làm gì cho ta nhưng ông đã nghe ta. Cảm ơn.

FREUD. Ông rời bỏ tôi ư?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ta chưa bao giờ rời bỏ ông.

FREUD. Tôi không gặp lại ông nữa ư?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Gặp bao nhiêu lần ông muốn cũng được. Nhưng không phải bằng đôi mắt.

FREUD.  Nghĩa là sao?

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (đặt ngón tay vào ngực Freud chỗ trái tim). Ta ở đây, Freud, ta lúc nào cũng ở đây, trốn ở đây. Và anh chưa bao giờ tìm thấy ta; và anh chưa bao giờ mất ta. Và khi ta nghe thấy anh nói là anh không tin vào Thượng Đế, ta có cảm giác nghe thấy một con chim sơn ca đang than vãn rằng mình không biết âm nhạc là gì. (chìa tờ giấy thông hành và cây bút cho Freud) Bác sỹ Freud, ông sẽ ra đi. Hãy mang nhiều người theo ông nhất có thể được. Hãy cứu họ.

Cuối cùng Freud cũng kí vào tờ giấy thông hành. Người khách lạ  dường như thở phào nhẹ nhõm khi đạt được điều đó. Anh ta quay lại lấy chiếc áo măng tô dạ tiệc lịch sự của mình và đi ra phía cửa sổ.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Chào ông.

FREUD. Nhưng…tôi vẫn chưa biết…(Đột nhiên trở nên hung hãn) Hãy ở lại!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (ôn tồn) Ta đã nói rồi. Chào anh, Freud.

Freud ra đứng chắn trước cửa sổ không cho anh ta qua.

FREUD.  Không đời nào!

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Anh mới mềm yếu làm sao, Freud!

FREUD. Ông sẽ không đi ra bằng đường cửa sổ, như một con người bằng xương bằng thịt, như một tên bợm. Ông hãy biến mất ngay ở đây, trước mắt tôi!

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (cười) Nghi ngờ. Lúc nào cũng nghi ngờ.

Anh ta tiến đến gần cửa sổ và nhìn chăm chăm vào Freud để ông bước sang một bên như thể bị một sức mạnh vô hình dịch chuyển.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tạm biệt.

Freud lấy lại tinh thần và đột nhiên cầm khẩu súng mà ông để trên bàn lên, chĩa thẳng về phía anh ta .

FREUD. Tôi sẽ bắn.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (tươi cười) Thế à?

FREUD. Tôi sẽ bắn.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Tất nhiên rồi. (Một lúc). Nhưng nếu tôi là tên điên trốn trại tối nay, cái tay Walter Oberseit đó, hay ta là cái người mỗi chiều lại theo gót Anna thì ông sẽ tạo ra một xác chết. Một viên đạn: một người chết. Hãy suy nghĩ đi bác sỹ Freud, mất lòng tin và mất tự do cùng một lúc rồi kết thúc trong nhà lao vì tội sát nhân, đánh cược như vậy có đáng không?

FREUD. (run lên) Tôi tin. Ông sẽ không ngã xuống đâu.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Ấy vậy thì hãy ở nguyên đó. Lòng tin cần sống bằng lòng tin chứ không phải bằng bằng chứng.

FREUD. (Tay chao đảo) Tại sao ông chế nhạo? Nếu là quỷ ông sẽ làm khác đi.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Một vị thần hành xử như Thượng Đế thì đó không phải là Thượng Đế mà chỉ là chúa tể thế giới. Ta bao bọc mình bằng những sự u tối, ta cần bí mật; nếu không, ông còn gì để quyết định nữa? (để họng súng chĩa vào tim mình). Ta là một sự huyền nhiệm Freud ạ, không phải là một câu đố.

FREUD. Tôi không cải đạo.

NGƯỜI KHÁCH LẠ.  Nhưng chỉ có anh mới cải đạo được cho mình: anh hoàn toàn tự do! Những tiếng nói chỉ vang lên khi được con người kêu gọi…

FREUD. Tôi không được gì cả.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. Cho đến tối nay, anh vẫn nghĩ rằng cuộc sống là phi lý. Từ nay anh sẽ biết rằng nó huyền bí.

FREUD. Hãy giúp tôi.

NGƯỜI KHÁCH LẠ. (Trèo qua khung cửa) Tạm biệt Freud.

Anh ta biến mất.

 

Cảnh 17

 

Freud với theo để giữ Người khách lạ lại nhưng anh này đã biến mất.

FREUD. Ông ta đã biến mất ư? (Nghiêng người khỏi cửa sổ). À ông lừa ta!...ông không muốn biến mất…ông trèo đường ống xuống, như một tên trộm! (Tức điên lên). Không thể để như thế được!

Ông chạy về phía bàn làm việc, lấy khẩu súng và bước ra cửa sổ. Ông nhắm mắt và bắn một phát về phía Người lạ mặt. Rồi ho sù sụ qua làn khói, ông thò người ra ngoài nhìn.

FREUD. Trượt rồi!

Hết

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan